Tại buổi làm việc với đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị nghiên cứu đầu tư xây dựng đập thủy lợi thủy điện Cẩm Hoàng, với kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội vừa có chuyến làm việc, tiến hành khảo sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn.
Tỉnh Thanh Hóa hiện đã xây dựng được hơn 4.000 công trình thủy lợi lớn, nhỏ, với tổng năng lực tưới thiết kế cho 214.401 ha, tưới thực tế cho 158.644 ha, đạt 77% diện tích canh tác. Trên địa bàn tỉnh có 5 hệ thống sông chính, gồm: Sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Chàng. Trong đó sông Mã là hệ thống sông liên Quốc gia và là một trong 14 lưu vực sông lớn nhất cả nước, với diện tích lưu vực 28.490 km2. Hiện Trên dòng sông Mã đã xây dựng được hơn 10 bậc thang thủy điện.
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông; hệ thống sông chính và số lượng công trình thủy lợi dày đặc, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hiện tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề anninh nguồn nước, như: Nhiều hồ chứa hiện đang ở mực nước chết, khiến năng lực tưới bị hạn chế, nên vẫn còn nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp không đủ nước tưới.
Về nguồn nước sinh hoạt mới cơ bản đáp ứng được nguồn nước cho khu vực đô thị, còn lại tỷ lệ sử dụng nguồn nước bảo đảm an toàn tại khu vực nông thôn, miền núi còn thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Mặc dù trên địa bàn tỉnh có các hệ thống tiêu, như: Quảng Châu, sông Lý, sông Hoàng, hệ thống tiêu Thọ Xuân, vùng tiêu Hà Trung – Nga Sơn, trục tiêu Tam Tổng và một số hệ thống trạm bơm tiêu nhỏ bám vào trục tiêu của các hệ thống sông, song, hiện diện tích úng thường xuyên trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn với 32.246 ha, năm cao nhất lên tới 58.200 ha.
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã đi khảo sát vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và công tác quản lý an toàn hồ, đập tại hồ Cửa Đạt, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. |
Hơn nữa, những năm gần đây, tình hình mưa lũ, khô hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh lại có nhiều công trình hồ, đập bị hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời đã và đang đe dọa đến vấn đề an ninh nguồn nước. Vì vậy, để vấn đề an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là vấn đề cần được chú trọng, lưu tâm.
Trước thực tế đó, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị với đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số vấn đề an ninh nguồn nước cần được quan tâm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị Quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập; nghiên cứu đầu tư xây dựng đập thủy lợi thủy điện Cẩm Hoàng (có địa chỉ tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy) để phục vụ tưới cho 30.287 ha, với kinh phí đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 78 hồ chứa bị hư hỏng, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Ngoài ra, ông Quyền còn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ có quy chế phối hợp với Chính phủ Lào về việc cung cấp thông tin mưa lũ trên lưu vực sông Mã, sông Chu phía nước bạn Lào để tỉnh Thanh Hóa nắm bắt, kịp thời ứng phó trong mùa mưa, lũ. Đề nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nông thôn tại các huyện miền núi, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc bảo đảm an ninh nguồn nước tại Thanh Hóa là vấn đề cần được lưu tâm, chú trọng. Ông đề nghị Thanh Hóa lưu ý đến công tác điều hành nguồn nước hợp lý tại các hồ để nâng đầu nước, đẩy mặn, tăng phân lưu nguồn nước. Ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị xuống cấp không đảm bảo trước mùa mưa lũ. Đồng chí đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa về các vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước. Từ đó sẽ kiến nghị với các cấp, bộ, ngành có liên quan để đưa vào nghiên cứu đầu tư xây dựng đập thủy lợi, thủy điện Cẩm Hoàng; hệ thống thủy lợi cấp nước tưới khu vực ven đường Hồ ChíMinh...
Trước đó, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã đi khảo sát vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và công tác quản lý an toàn hồ, đập tại hồ Cửa Đạt, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Hồ chứa nước Cửa Đạt là một trong những công trình thủy lợi - thủy điện lớn nhất nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, với dung tích chứa 1,5 tỷ m3 nước, tạo nguồn nước tưới ổn định 86.862 ha đất canh tác, cấp nước công nghiệp và sinh hoạt cho 7 huyện trong tỉnh, đồng thời kết hợp thủy điện với công suất 97MW bổ sung nguồn cung cấp cho lưới điện quốc gia.