Đầu tư
Thanh Hóa gọi vốn đầu tư vào nông nghiệp
Sĩ Chức - 08/12/2014 11:27
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, kèm theo quyết định phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, lãnh đạo tỉnh đã giao các sở, ban, ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kéo vốn tư nhân Hàn Quốc vào nông nghiệp Việt Nam
Thanh Hóa sẽ có thêm cảng hàng không 1.000 tỷ đồng
Đại gia Việt bàn chuyện làm nông nghiệp
Thanh Hóa tôn vinh doanh nhân và sản phẩm tiêu biểu 2014
Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp: Làm nông bằng trí
Việt Nam sẽ là cánh đồng, là góc bếp của thế giới

Xin ông cho biết thực trạng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại Thanh Hóa thời gian qua?

Tỉnh Thanh Hóa luôn xác định, doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn. Những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Song song với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, giai đoạn 2009-2013, UBND tỉnh đã ban hành 9 chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

   
 

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa

 

Tính đến tháng 11/2014, toàn tỉnh có 223 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn đăng kí xấp xỉ 53.000 tỷ đồng, chiếm 55% số dự án và trên 30% tổng vốn đăng ký trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, những năm vừa qua, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có bước phát triển tích cực, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu, tăng thu ngân sách và giải quyết vấn đề việc làm cho lao động tại địa phương.

Như vậy, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là gì?

Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa hấp dẫn các doanh nghiệp do không thu được lợi nhuận nhanh, quay vòng vốn chậm, việc đầu tư luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, giá cả, thị trường. Thêm vào đó, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn yếu kém, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, làm hạn chế sức cạnh tranh và thu hút đầu tư; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Ngoài ra, tích tụ ruộng đất để có vùng sản xuất lớn là yếu tố quyết định thu hút đầu tư, nhưng khi thực hiện, doanh nghiệp luôn gặp khó khăn do chính sách đền bù, thuế và chế độ ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng. Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

   
 

Tỉnh Thanh Hóa cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

 

Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như thế nào, thưa ông?

Nghị định  210/2013/NĐ-CP được xem là một bước chuyển tích cực, tạo đột phá để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nghị định có những ưu đãi cụ thể về đất đai; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc-ca; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê; hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản...

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP và công bố quyết định phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Thông qua Hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa luôn mong muốn và cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, Nghị định 210/2013/NĐ-CP là chính sách chung được áp dụng trên phạm vi cả nước, nên không tránh khỏi một số tiêu chí đặt ra cao hơn so với thực tế sản xuất tại Thanh Hóa. Vì vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, trong quá trình triển khai thực hiện, tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành các chính sách bổ sung sao cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong thời gian tới.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ có những giải pháp cơ bản nào nhằm nâng cao hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và của tỉnh, để nâng cao hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm, theo đó các ngành và các địa phương cần xây dựng và công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Cùng với đó, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư, chính sách về tín dụng, thương mại và thị trường, chính sách về đất đai, phát triển nguồn nguyên liệu, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn và chính sách phát triển nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nắm bắt những khó khăn vướng mắc để có những giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác