Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, tại địa điểm mỏ cát số 2 thuộc địa bàn thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, do Doanh nghiệp tư nhân Hùng Mạnh quản lý, phần bãi bồi ven đê tả sông Chu qua địa bàn thôn này đã bị sạt lở hoàn toàn, ăn sát vào gần tới chân đê.
Tình trạng khai thác cát ồ ạt, khai thác lậu diễn ra tại các tuyến điểm mỏ ở lưu vực sông Chu, Thanh Hóa |
“Họ khai thác cát một cách ồ ạt, thậm chí khai thác cả ban đêm với số lượng tàu thuyền lớn. Từ khi chính quyền địa phương cho phép doanh nghiệp vào khai thác, một bãi bồi rộng khoảng 3 ha ven sông là đất canh tác của người dân đã bị cuốn trôi theo dòng nước”, ông Quản Hữu Vinh và ông Phùng Văn Đệ, người dân thôn Quản Xá than phiền.
Cách đó không xa, tại mỏ cát số 5 thuộc địa bàn xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, được giao cho Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hưng Đô, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo báo cáo của UBND xã Thiệu Nguyên, việc khai thác cát trái phép xung quanh khu vực mỏ cát số 5 đã làm sạt lở gần 2 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000 m2 đất thuộc quyền sử dụng của một số hộ gia đình sinh sống gần khu vực mỏ.
Ông Lê Doãn Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hưng Đô (đơn vị khai thác mỏ cát số 5) thừa nhận việc khai thác vượt quá công suất diễn ra trong thời gian cao điểm về nhu cầu sử dụng cát. Tuy nhiên, ông Lan cho rằng, việc các vùng đất bồi ven sông bị sạt nở không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp, mà còn do “cát tặc” lợi dụng để khai thác những khu vực lân cận.
Theo ông Lê Xuân Đoàn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thiệu Hóa, huyện đã có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra giám sát, nhưng với đặc thù là huyện có nhiều mỏ cát nhất tại Thanh Hóa (16 điểm mỏ khai thác cát), nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã nhiều lần mời hai doanh nghiệp trên đến làm việc và yêu cầu khai thác theo đúng công suất như trong giấy phép và không được phép khai thác vào ban đêm. Tuy nhiên, tình hình vẫn không có biến chuyển tích cực”, ông Đoàn cho biết.
Ngoài tình trạng khai thác ồ ạt, tại Thanh Hóa còn diễn ra việc doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính cũng tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ để rồi “cò quay” giữ quyền khai thác. Đó là trường hợp của Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển T&D Hà Nội tại Thanh Hóa (Chi nhánh T&D Hà Nội tại Thanh Hóa), đã trúng đấu giá mỏ cát số 15 thuộc địa bàn xã Thiệu Toán (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).
Sau 18 tháng Chi nhánh T&D Hà Nội tại Thanh Hóa nợ tiền trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát số 15, đầu tháng 8/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Cục Thuế và UBND huyện Thiệu Hóa lập thủ tục thu hồi giấy phép khai thác mỏ. Song để giữ quyền kinh doanh khai thác mỏ, Chi nhánh T&D Hà Nội tại Thanh Hóa đã tung ra “chiêu” hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp khác.
Tính đến nay, Chi nhánh T&D Hà Nội tại Thanh Hóa còn nợ 977 triệu đồng, trong đó có 866 triệu đồng tiền đền bù đất giải phóng mặt bằng thuê đất (tiền thuê đất của mỏ số 15) và thuế. Trong khi đó, thời hạn khai thác mỏ của Công ty là đến hết tháng 3/2016. Hiện tại, đơn vị này vẫn bất chấp ngày đêm khai thác và đưa các đoàn xe quá tải chạy trên tuyến đê xung yếu để trở cát…
Lê Thành