Báo cáo tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN tổ chức chiều 25/4, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hoạt động điều hành chính sách tiền của Ngân hàng Nhà nước liên tục theo tín hiệu thị trường, tăng lượng tiền cung ứng, giảm lãi suất mua trên thị trường mở. Từ đầu tháng 3, lãi suất trên thị trường OMO liên tục giảm từ mức 6% xuống 5%. Thanh khoản dồi dào. Số dư tiền gửi của tổ chức tín dụng tại NHNN thường xuyên dư thừa, cao hơn mức dự trữ bắt buộc.
Theo Vụ trưởng Phạm Chí Quang, trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua ngoại tệ, bơm lượng tiền đồng rất lớn đưa vào lưu thông giúp thanh khoản dồi dào. Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất thị trường, bao gồm việc chủ động, linh hoạt nhanh chóng thực hiện hai lần giảm lãi suất điều hành.
Điều này một mặt hỗ trợ tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, một mặt kéo lãi suất giảm trên thị trường. Mặt bằng đã giảm đáng kể. Cụ thể, theo ông Quang, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục giảm thời gian tới.
Sáng nay (25/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo nhiều bộ, ngành, trong đó có sự tham gia của 4 ngân hàng thương mại lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế, thị trường trái phiếu, bất động sản cùng các biện pháp căn cơ giảm lãi suất.
Cập nhật về buổi họp, ông Phạm Chí Quang cho biết, cả 4 ngân hàng chiếm 50% thị trường tín dụng đã đồng thuận với chủ trương Chính phủ trong giảm lãi suất cho vay.
Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Mức tăng trên chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước - là thời điểm ngay sau khi kết thúc dịch (6,46%), đồng thời, cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (3,64%) và chỉ cao hơn giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Tại hội nghị, phân tích lý do dẫn đến tình trạng này, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, Phó thống đốc cũng nhấn mạnh không có lý do từ thiếu vốn hay giới hạn room tín dụng, môi trường hiện tại thuận lợi cho tín dụng tăng trưởng.
“Trong 4 tháng đầu, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả những gì có thể để tác động đến nền kinh tế. Những dư địa có thể của ngành ngân hàng và chính sách tiền tệ đã sử dụng tối đa”. Phó thống đốc nhấn mạnh.