Điểm nóng
Thanh kiểm tra 520 đơn vị về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường
Thế Hải - 02/03/2017 11:25
520 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố đã nằm trong kế hoạch thanh tra về công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, KCN-KCX, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn 21 tỉnh thành

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết, tiếp theo những chỉ đạo quyết liệt về công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong năm 2016, ngay từ những ngày tháng đầu của năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai trọng tâm, trọng điểm nhiều nội dung thanh tra kiểm tra quan trọng trong lĩnh vực này.

Cụ thể, năm 2017 Bộ sẽ tập trung vào thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố, với tổng số đối tượng dự kiến thanh tra là 520 đơn vị.

Dự kiến kế hoạch thanh tra sẽ tập trung vào các tỉnh, thành phố gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Bình, Gia Lai, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra từ năm 2014-2016 đối với 219 đối tượng có vi phạm, gây ô nhiễm môi trường tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Quảng Trị, Phú Yên, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi.

Song song với việc xây dựng kế hoạch thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương để định hướng nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2017 bảo đảm không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục điều tra, thống kê, đánh giá phân loại các nguồn gây ô nhiễm môi trường, các khu vực ô nhiễm, suy thoái môi trường trên phạm vi toàn quốc, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo các kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 825 cơ sở tại 32 tỉnh, thành phố đã thanh tra, kiểm tra trong năm 2016.

Tin liên quan
Tin khác