Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam. |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Vũ Chiến Thắng vừa ký Quyết định 959 cho phép thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Hiệp hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực Hiệp hội hoạt động theo quy định pháp luật.
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở.
Trước đó, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị về việc thành lập hiệp hội này.
Việc thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên mối liên kết thành chuỗi ngành hàng, là cơ sở để hạn chế tình trạng thiếu liên kết giữa các khâu cung cấp vật tư, sản xuất và tiêu thụ như thời gian qua.
Liên quan đến việc đầu tư dài hơi, bài bản cho ngành hàng này, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Mục tiêu chung của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững ( SRP), tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm đến 15/11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,4 triệu tấn gạo, doanh thu đạt 4,15 tỷ USD, vượt mức thực hiện của năm ngoái 700 triệu USD.
Ngành nông nghiệp ước tính năm 2023 Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD.
Năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường của thị trường gạo toàn cầu.