Khu vực dự kiến xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng |
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước
Quốc hội thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 (Nghị quyết 136) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Có thể nói, việc Quốc hội cho phép TP. Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, tạo động lực mạnh mẽ để kinh tế Đà Nẵng nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung phát triển.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đánh giá, chính sách thí điểm khu thương mại tự do mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế.
“Đà Nẵng cứ mạnh dạn làm, rồi qua quá trình thực hiện chúng ta loại trừ, điều chỉnh dần những vấn đề không phù hợp. Chẳng có gì dễ dàng cả, vì đây là mô hình mới, nhưng phù hợp với xu thế phát triển”, Thủ tướng nói và yêu cầu việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 136/2024/QH15 phải quyết liệt; có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt việc đó; không lan man, dàn trải trong khi nguồn lực, kinh nghiệm có hạn; nói là làm, cam kết là phải thực hiện; chỉ bàn làm, không bàn lùi.
“Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng mà Quốc hội vừa thông qua, có nhiều giải pháp vượt trội để khắc phục hạn chế cũng như điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14; qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thúc đẩy, tạo xung lực mới để phát triển TP. Đà Nẵng, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và khu vực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của thành phố”, ông Cường chia sẻ.
Khảo sát khu vực nghiên cứu lấn biển phục vụ xây dựng khu dịch vụ thương mại thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng ở ven biển đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê), rộng khoảng 420 ha mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí nghiên cứu phương án lấn biển xây dựng khu thương mại tự do, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí so với xây dựng trên đất liền, đồng thời phát huy tối đa không gian phát triển biển. Thủ tướng cũng yêu cầu tham khảo kinh nghiệm các mô hình quốc tế phù hợp với điều kiện Đà Nẵng và Việt Nam.
Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu, tính toán phương án khai thác, sử dụng vật liệu san lấp; xác định rõ chức năng của khu thương mại tự do này, phù hợp với không gian, cảnh quan, điều kiện tự nhiên, xã hội của khu vực. Đồng thời lưu ý, chỉ xây dựng Khu thương mại tự do phục vụ cho phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, không phát triển bất động sản nhà ở tại khu vực này…
Khảo sát địa điểm xây dựng Khu thương mại tự do 90 ha ở khu vực Bà Nà - Suối Mơ (huyện Hòa Vang), Thủ tướng yêu cầu TP. Đà Nẵng rà soát quy hoạch khu vực phát triển thương mại dịch vụ; xác định rõ chức năng, đặt khu vực này trong mối quan hệ, liên kết với các khu thương mại tự do khác, bao gồm kết nối mềm, kết nối cứng, kết nối quản lý, cũng như tính tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đảm bảo bổ sung và không triệt tiêu nhau.
Theo Nghị quyết 136, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu. Tại đây, dự án hạ tầng dùng chung của khu bến Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, đã khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành công trình trong tháng 11/2025.
Khảo sát tại hiện trường mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng lưỡng dụng với công năng đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động môi trường; quy hoạch tổng thể, lâu dài; chú trọng triển khai các dự án kết nối giao thông, huy động nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn lực của các nhà đầu tư.
Về nhà đầu tư xây dựng bến cảng, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn một nhà đầu tư có phương án tốt nhất, chịu trách nhiệm chính. Nhà đầu tư này có thể phối hợp với các doanh nghiệp khác để triển khai.
Hiện Khu thương mại tự do đang được các cơ quan chức năng của Đà Nẵng khẩn trương rà soát, xác định các vị trí phù hợp để đưa vào hình thành các khu chức năng. Các vị trí này thể hiện rõ về quy mô, ranh giới, vị trí quy hoạch nêu rõ trong quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ.
Sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư
Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, khi tham gia vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều lợi ích, nhất là doanh nghiệp trong những khu công nghiệp được bố trí trên các trục giao thông huyết mạch của Thành phố.
Cùng với đó, các doanh nghiệp dọc tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đặc biệt là doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Liên Chiểu (đang được đề xuất là khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do) cũng nhận được nhiều lợi ích.
Theo ông Tỵ, khi TP. Đà Nẵng có Khu thương mại tự do, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường rộng lớn với chi phí thấp hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao. Lúc này, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ khốc liệt hơn, buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Khu thương mại tự do góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm hơn cho địa phương. Người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hóa đa dạng với giá cả cạnh tranh, nâng cao đời sống của người dân. Khu thương mại tự do cũng góp phần tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông Tỵ nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Phu, Phó giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho rằng, khu thương mại tự do là một trong những hình thức tốt trên thế giới, một số nước trong khu vực đã có khu thương mại tự do. Đây là bước khởi đầu của Đà Nẵng, tạo luồng gió mới cho doanh nghiệp để họ đón đầu cơ hội đầu tư, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giao thương hàng hóa.
“Tôi nghĩ, đây là cơ hội rất tốt, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào khu thương mại tự do này. Hiện nay tất cả nguyên vật liệu của chúng tôi nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc... Hy vọng rằng, đây là cơ hội để các nước đầu tư vào khu thương mại này, khi đó việc cung cấp nguyên vật liệu của chúng tôi sẽ dễ hơn”, ông Phu bày tỏ.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng thông tin, Khu thương mại tự do là một tổ hợp các khu chức năng gồm khu thương mại - dịch vụ, khu logistics, khu sản xuất và các khu chức năng khác. Đà Nẵng dự kiến, tổng diện tích của các phân khu có quy mô 1.000 - 1.500 ha. Những vị trí lớn nhỏ tùy vào yêu cầu, rải rác ở nhiều khu vực.
Bà Phương cho hay, hiện đã có nhà đầu tư quan tâm liên hệ, xin thông tin tìm hiểu về chính sách Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Do quỹ đất hạn chế, Đà Nẵng sẽ xây dựng Khu thương mại tự do phân tán với 10 vị trí được dự kiến xây dựng thành các khu chức năng gồm khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại - dịch vụ.
Trong đó, vị trí 4 có tổng diện tích 559 ha, bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích 259 ha và phần diện tích khoảng 300 ha mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng thuộc xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) dự kiến làm khu sản xuất. Vì thế, hiện nay, việc hướng dẫn cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào đây luôn được Đà Nẵng sẵn sàng chào đón.
Theo ông Trần Văn Tỵ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư và mở rộng hoạt động tại khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu thương mại tự do Đà Nẵng.