Thành lập thị xã Kỳ Anh, thành phố Tam Điệp
Mạnh Bôn - 09/04/2015 16:18
Chiều nay (9/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thành lập thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và nâng cấp thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) thành thành phố.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh
Ông Võ Kim Cự được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh
Vingroup xây TTTM và nhà ở tại Hà Tĩnh

Sau khi được thành lập, thị xã Kỳ Anh có trên 85.500 nhân khẩu, 12 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc tách huyện Kỳ anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh là cần thiết. Bởi huyện Kỳ Anh hiện tại không chỉ là địa phương có dân số lớn nhất (trên 206.000 nhân khẩu) và nhiều đơn vị hành chính nhất (33 đơn vị hành chính cấp xã) của tỉnh Hà Tĩnh, mà trong mấy năm trở lại đây, địa phương này đạt tốc độ phát triển kinh tế nhanh rất nhanh nên cần phải tách ra để bảo đảm công tác quản lý nhà nước hiệu quả.

Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Kỳ Anh đạt 23,3%, năm 2014 đạt 26,5%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, du lịch chiếm trên 87%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 33 triệu đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.349 tỷ đồng, chi ngân sách 566 tỷ đồng.

Khu vực thành lập thị xã Kỳ Anh có Khu kinh tế Vũng Áng (là một  trong 5 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước), là khu kinh tế động lực với các ngành công nghiệp nặng lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á như luyện cán thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu…, có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, giữ vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng và giao thông hàng hải của khu vực và quốc tế.

“Sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của khu vực này đã phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết như giải phóng mặt bằng, quản lý quy hoạch, quản lý lao động, đặc biệt với lao động là người nước ngoài, quản lý an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội... đòi hỏi phải tổ chức lại bộ máy chính quyền cho phù hợp”, ông Bình phát biểu.

Bí thư tỉnh Hà Tĩnh - ông Võ Kim Cự

Tân Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự cho biết, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của huyện Kỳ Anh đã góp phần vô cùng quan trọng giúp kinh tế của Hà Tĩnh có sự tăng trưởng đột biến trong mấy năm gần đây.

“Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh đạt bình quân 16-17%/năm. Trong đó, năm 2013 tăng 19,2%; năm 2014 tăng 25,89%. Nếu như năm 2010, thu ngân sách trên địa bàn mới đạt 1.100 tỷ đồng, thì năm 2013 số thu đạt gần 12.000 tỷ đồng. Năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh dự kiến đạt 24%, thu ngân sách 15.000 tỷ đồng (quý 1 đã thu được 3.600 tỷ đồng)”, ông Cự cho biết.

Vẫn theo ông Cự, hiện tại trong Khu kinh tế Vũng Áng (nằm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh) đã thu hút vốn đấu tư từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân có khoảng 5.000-7.000 người nước ngoài và gần 40.000 công nhân trong cả nước làm việc, vì thế cần phải thành lập thêm đơn vị hành chính mới để quản lý.

Tăng biên chế và đầu tư cho đơn vị hành chính mới là 2 nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm trước khi thông qua đề nghị thành lập thị xã Kỳ Anh.

Dự kiến, để đưa thị xã Kỳ Anh vào hoạt động cần phải thành lập 24 cơ quan, đơn vị với 132 biên chế cán bộ, công chức và cần phải đầu tư 2.580 tỷ đồng. Vốn Trung ương hỗ trợ 520 tỷ đồng; ngân sách địa phương 750 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 1.213 tỷ đồng; vốn huy động từ nhân dân và các tổ chức khác 97 tỷ đồng.

“Chúng tôi bảo đảm không tăng biên chế do địa phương quản lý mà sẽ điều chuyển cán bộ, công chức trong nội bộ tỉnh cho thị xã khi được thành lập. Còn vốn đầu tư, Trung ương “cho” được đồng nào quý đồng đó, không cho, chúng tôi cũng tự xoay sở được”, ông Cự khẳng định.

Biên chế của các cơ quan trung ương đóng trên địa kho bạc, thuế vụ, biên phòng, ngân hàng… nếu có tăng, theo ông Cự cũng là hợp lý.

“Trước đây 90% chi tiêu của tỉnh phải xin Trung ương hỗ trợ, mỗi năm ngân sách địa phương chỉ thu được 500-700 tỷ đồng, còn bây giờ thu ngân sách sắp lên tới 20.000 tỷ đồng, tự cân đối được thu - chi, vài năm nữa Hà Tĩnh sẽ trở thành địa phương nộp ngân sách về Trung ương thì có tăng vài trăm nhân sự làm việc trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng… chắc không địa phương nào so bì”, ông Cự nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định nâng cấp thị xã Tam Điệp thành thành phố và đồng ý đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Tam Điệp với tổng số tiền hơn 1.932 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác