Viễn thông - Công nghệ
Thanh toán điện tử: Phí cao, giao dịch hẻo
Thùy Liên - 10/02/2020 15:25
Thương mại điện tử đang gia tăng vì nỗi lo dịch bệnh, kéo theo nhu cầu thanh toán trực tuyến tăng lên. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại với thanh toán điện tử, do e ngại vấn đề bảo mật, phí chuyển khoản còn cao, trong khi đó, giao dịch vẫn bị tắc nghẽn, nhất là tại những thời kỳ cao điểm.
Nhiều người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà với thanh toán điện tử, do e ngại vấn đề bảo mật, phí chuyển khoản còn cao.

Cơ hội đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt

Trong khi các trung tâm thương mại trở nên vắng vẻ vì dịch bệnh, lượng đặt hàng trên các website bán hàng trực tuyến (Shoppee, Sendo, Tiki...) tiếp tục tăng mạnh như thời điểm trước Tết, khác hẳn các năm trước. Lo ngại dịch bệnh là nguyên nhân khiến sức mua online gia tăng. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc mua bán nơi đông người không chỉ tăng nguy cơ lây nhiễm virus nCoV, mà việc sử dụng tiền mặt cũng khiến nguy cơ mắc bệnh gia tăng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại khuyến cáo, người dân nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.

Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, SHB coi đây là cơ hội đẩy mạnh các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến (online). 

Không chỉ có các ngân hàng, một số ví điện tử, như MoMo, khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch Corona.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ và NHNN. Bối cảnh dịch bệnh hiện nay là cơ hội để đẩy nhanh thực hiện định hướng này. Tuy nhiên, có ba lý do khiến người tiêu dùng còn e ngại thanh toán không dùng tiền mặt: đó là vấn đề bảo mật, phí và khả năng thông suốt hệ thống.

Hiện nay, bảo mật ví điện tử và cả một số ngân hàng vẫn xảy ra nhiều sự cố, gây lo lắng cho người dùng. Đơn cử, giữa tháng 1 vừa qua, chị L.N cho biết, sau khi bị cướp điện thoại, trong đó có tài khoản ví MoMo, chị bị rút gần 50 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Do bảo mật ví điện tử còn lỏng lẻo, khâu cấp lại mất khẩu dễ dàng, đối tượng cướp điện thoại dễ dàng khống chế tài khoản ví điện tử và cuỗm tiền trong tài khoản ngân hàng của chị.

Cũng đầu năm nay, khách hàng của một số ngân hàng tá hỏa khi thẻ vẫn nằm im trong ví, nhưng lại được thông báo có giao dịch ở các nước khác, thẻ tín dụng bị ngân hàng báo “âm hạn mức”, sự cố lỗi giao dịch online vượt hạn mức... Liên tiếp những sự cố bảo mật xảy ra, khiến khách hàng lo ngại về sự an toàn tài khoản.

Ông Hoàng Nguyên Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ SAVIS cho rằng, trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng số phát triển như hiện nay, bảo mật, an toàn thông tin là vấn đề quan trọng hàng đầu. Sự cố bảo mật xảy ra sẽ gây thiệt hại nặng nề về mặt tài chính

Cải thiện hệ thống thanh toán

Thói quen thanh toán của người dân đang thay đổi theo hướng tích cực. Thẻ ATM ngày càng được sử dụng để thanh toán nhiều hơn, thay vì chỉ để rút tiền như trước đây. Theo thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), năm 2019, tổng lượng giao dịch thực hiện qua Napas tăng 80,2%, giá trị giao dịch tăng 170,6%. Chuyển mạch ATM giảm, trong khi chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng tăng, cho thấy khách hàng giảm rút tiền mặt qua ATM và tăng thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.

Tuy vậy, trên thực tế, thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là các khoản phí liên quan đến duy trì tài khoản và thực hiện giao dịch vẫn cao, chưa kể, giao dịch tại những thời kỳ cao điểm vẫn chưa tránh được tình trạng tắc nghẽn.

Dịp Tết Canh Tý vừa qua, nhiều khách hàng muốn thanh toán, chuyển tiền online, song không thể tiến hành giao dịch do hệ thống liên tục báo lỗi.

Về phí, ngoài một số ngân hàng miễn phí chuyển khoản như Techcombank, TPBank, OCB..., hầu hết các ngân hàng còn lại đều tính phí chuyển khoản khá cao.

Chưa kể, với nhiều dịch vụ công hiện nay, ngân hàng vẫn tính phí thanh toán, khiến người sử dụng không mấy mặn mà. Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết, khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh viện phải trả một khoản phí cho ngân hàng (từ 0,2 - 0,8%), nhưng lại không thu được của người bệnh, khiến bệnh viện bị thâm hụt về tài chính.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho hay, ngân hàng thực tế không hưởng “siêu lợi nhuận” từ hoạt động chuyển tiền liên ngân hàng. Ngoài chi phí duy trì bộ máy, các ngân hàng thương mại cũng phải chuyển mạch cho Napas để thực hiện các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng...

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, xây dựng quốc gia số, ngoài yếu tố tiên quyết là bảo mật, cần phải xây dựng hạ tầng thanh toán hiện đại, đảm bảo giao dịch thông suốt, giảm các loại phí để khuyến khích người dân sử dụng.

Hiện nay, Napas đảm nhiệm vai trò xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia. Để đón đầu các giao dịch online bùng nổ thời gian tới, Napas phải cải thiện rất nhiều hệ thống thanh toán để “giao thông” chuyển tiền không bị tắc nghẽn.

Tin liên quan
Tin khác