Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. |
Việc đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt thời gian qua đã đạt được kết quả thế nào, thưa ông?
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018, như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng 169,5% so với năm 2017.
Khảo sát của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018, với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%. Các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như phân tích hành vi khách hành trên dữ liệu lớn (Big Data); xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless), thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment)… Nhờ đó, các ngân hàng đã liên tục cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng.
Với lĩnh vực dịch vụ công, việc đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt được thực hiện ra sao, thưa ông?
Với lĩnh vực dịch vụ công, thời gian qua đã có sự nỗ lực và tăng trưởng rất tốt trong việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt. Trong đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại một số lĩnh vực như y tế, thuế, điện lực, bảo hiểm, hải quan... đã có sự bứt phá rất mạnh mẽ. Ở lĩnh vực hải quan, sử dụng thanh toán không tiền mặt chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 80%, thậm chí đến 90 - 99%. Vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển và tăng trưởng rất mạnh trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán qua điện thoại di động được (Mobile Payment) được các ngân hàng tập trung đẩy mạnh. Theo ông, xu hướng này liệu có phát triển bứt phá trong tương lai?
Thanh toán trên điện thoại di động là một xu hướng tất yếu. Thực tế, ở Việt Nam, thanh toán phi tiền mặt chủ yếu được thực hiện trên điện thoại di động. Theo khảo sát của PwC tại 27 quốc gia, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán trên di động cao nhất năm 2018.
Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đòi hỏi phải có hạ tầng kết nối và sản phẩm, công nghệ hiện đại?
Hạ tầng thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp và hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán cho dịch vụ của ngành hải quan, thuế, điện lực, viễn thông... và đang được tiếp tục triển khai, mở rộng tới các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, trong đó có các đơn vị cung ứng dịch vụ công.
Với phương châm chủ đạo lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 làm nhân tố quyết định, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra một số định hướng, như xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số; xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực…