Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý những vi phạm tại Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc |
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra đối với CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc). Kết luận đã chỉ ra nhiều dấu hiệu hình sự trong thực hiện Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc.
Theo kết luận thanh tra, Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định (WEC-CECO thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...), nhưng Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký. Điều này dẫn đến công ty không chọn được nhà thầu EPC và làm phát sinh chi phí.
Theo cơ quan thanh tra, chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu là Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban lãnh đạo Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Đạm Hà Bắc; lãnh đạo Công ty Đạm Hà Bắc. Bên cạnh đó còn có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây cho biết, Dự án đầu tư mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc khởi công tháng 11 năm 2010. Tháng 4/2015, Dự án được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương mại; tháng 12/2015, chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng (chậm 36 tháng so với phê duyệt lần đầu).
Tính đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của Dự án đã âm 523,3 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.166 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 9.689 tỷ đồng, lỗ lũy kế 3.245 tỷ đồng. Công ty thiếu vốn lưu động (Do ngân hàng quy định tỷ lệ trả nợ 10 thì được cho vay lại 9,5, có ngân hàng đã dừng cho vay).
Chi phí tài chính cao (30% tổng doanh thu), chủ yếu do lãi vay rất cao tại VDB (bình quân lãi suất trong hạn là 10,78%, có khoản vay chịu lãi phạt 18%). Áp lực trả nợ gốc, lãi, lãi phạt lớn dẫn đến Dự án bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng.
Theo Đề án 1468, Phương án xử lý đối với Dự án này là hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán Dự án; tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đến nay, việc thực hiện Phương án nêu trên còn những khó khăn, vướng mắc chưa thực hiện được.
Cụ thể, Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, do tranh chấp EPC: Các thiết bị, vật liệu có sự sai khác so với hợp đồng về số lượng, chủng loại, xuất xứ, thông số kỹ thuật; Các chi phí chưa đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định của hợp đồng; Tính thuế nhà thầu bổ sung đối với chênh lệch giá trị nhập khẩu thực tế so với hợp đồng; Vật tư Chủ đầu tư cấp trong giai đoạn chạy máy; Chi phí phát sinh do nhà thầu đề nghị; Khắc phục tồn tại sau chạy thử 72 giờ và bảo hành.
Bên cạnh đó, về tài chính, tín dụng, các giải pháp chia sẻ rủi ro từ phía ngân hàng chưa đủ hỗ trợ công ty vượt qua khó khăn. Luật Thuế 71/2014/QH13 tạo ra bất lợi kép cho các đơn vị sản xuất phân bón trong đó có Công ty (vừa không được hoàn thuế VAT đầu vào, vừa giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu), ước tính giá trị khoảng 160 tỷ đồng - 170 tỷ đồng/năm.
Với 2 khó khăn, vướng mắc nêu trên chưa thể giải quyết được, Công ty chưa hoạt động hiệu quả, chưa thực hiện được cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.