Tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Ngày 20/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 25 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 31/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy và được phổ biến đến từng Chi bộ.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm. |
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong thời gian qua, mặc dù TP đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, song gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm công nghiệp…
Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, là vụ việc vô cùng nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cũng như đời sống của người dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh khi hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Đáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; việc thực hiện còn nhiều yếu kém, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ", chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để phòng ngừa sai phạm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với việc phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn.
Từ tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp bách trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ quy hoạch, cấp phép xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng, kiểm tra, thanh tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ xảy ra; đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản của nhân dân, của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.
Lấy phòng ngừa là "cơ bản - chiến lược - lâu dài"
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, phải quán triệt quan điểm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô.
Lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là "cơ bản - chiến lược - lâu dài", làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng" 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ".
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Do đó, các đơn vị phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, cần đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra;
Ý thức tự trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là các thiết bị báo cháy, dụng cụ thoát hiểm, mặt nạ phòng độc, cửa thoát hiểm đến từng hộ gia đình, cá nhân...; tập huấn thường xuyên về các kỹ năng thoát nạn cơ bản, hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự cố xảy ra...
Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Hà Nội sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.
Công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng khi không bảo đảm các điều kiện an toàn gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Cùng với việc tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất phòng cháy, chữa cháy; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị các đơn vị chức năng phải thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị;
Xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào hoạt động.
Để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố lãnh đạo việc cụ thể hóa các chỉ đạo của Thành ủy để ban hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về các biện pháp, cơ chế, chính sách, dành nguồn lực đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân TP chỉ đạo UBND TP, các sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém;
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương về phòng cháy, chữa cháy từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng, thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong suốt quá trình khai thác, sử dụng các dự án, công trình...; cần khắc phục triệt để ngay những hạn chế, vướng mắc dẫn đến tồn tại các vi phạm nhất là ở những địa bàn, cơ sở trọng điểm.
Tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà cho thuê trọ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy theo Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 13/9/2023 của UBND TP.
Chú trọng kiểm tra, thanh tra để xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị và cá nhân; xử lý nghiêm và kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm; nghiên cứu xây dựng các chế tài xử lý dứt điểm và quy trình cưỡng chế đối với các trường hợp không đủ điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, cố tình vi phạm kéo dài.
TP. Hà Nội kiên quyết không chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư mới đối với các nhà đầu tư chưa khắc phục xong các vi phạm về phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ tại các dự án cũ.
Cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt việc quản lý, cấp phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì Thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật.
Các ngành: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân... khẩn trương điều tra, kết luận, xử lý trách nhiệm (truy tố, xét xử...) những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;
Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế, phân công, phân cấp trách nhiệm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế theo hướng tăng mức xử phạt và các chế tài xử lý đảm bảo nghiêm minh và tính răn đe, giáo dục cao.