Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An), đã bày tỏ ấn tượng với những quyết sách gần đây của Trung ương, đặc biệt là việc thúc đẩy Luật Đất đai đi vào thực tiễn sớm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao sự nỗ lực trong ngoại giao của các cấp lãnh đạo khi mời gọi đầu tư vào thị trường Halal và các ký kết AFTA mới.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dân Việt |
Tuy nhiên, ông Võ Quan Huy kiến nghị về những vấn đề còn tồn tại trong chính sách đất đai. Ông cho rằng: "Hơn 20 năm trước, chính sách thành lập nông lâm trường đã giúp khai hoang, phát triển sản xuất. Nhưng mô hình này dần không hiệu quả, nhiều nơi đã giải thể và giao về cho địa phương quản lý. Người nông dân vẫn canh tác và trả tiền thuê đất, nhưng với quy định mới, để tiếp tục thuê đất, họ phải thực hiện đấu giá. Điều này gây khó khăn vì người nông dân đã đầu tư rất nhiều vào việc chỉnh sửa mặt bằng và khai hoang từ lâu".
Ông Huy kiến nghị cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp riêng cho từng loại đất đã được cải tiến, giúp ổn định sản xuất. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng từng diễn giải rằng đất nông nghiệp có đầu tư cải tạo sẽ không phải đấu giá mà được tiếp tục thuê. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa chấp nhận, lo ngại vấn đề giải phóng mặt bằng khi quản lý đất.
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Đất nông lâm trường là vấn đề nhức nhối. Việc khai thác, sử dụng đất còn lãng phí và thiếu hiệu quả. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá nguồn đất này để đưa ra quyết sách mạnh mẽ, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai".
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cập nhật về tiềm năng thị trường Halal. Trước đây, Việt Nam chưa chú trọng thị trường này dù tiềm năng rất lớn. Các bước triển khai gần đây, như hợp tác với UAE và xúc tiến tại Trung Đông, đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản.
"Thị trường Halal yêu cầu gạo dài, rời, phù hợp với nhu cầu đặc thù. Các đối tác sẵn sàng hỗ trợ giống để chúng ta canh tác đúng yêu cầu. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời kiến nghị. Ảnh: Dân Việt |
Cũng chia sẻ những khó khăn về tích tụ đất đai cho hợp tác xã, nông dân Vũ Thị Thương Huyền, đại diện kinh tế tập thể nêu: "Hiện chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để hợp tác xã tích tụ đất quy mô lớn. Ngoài ra, việc quy hoạch đất giữa các tỉnh giáp ranh còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc hình thành chuỗi sản xuất lớn".
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải thích, Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều điểm mới. Cụ thể: Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên 15 lần hạn mức giao đất.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc tập trung đất nông nghiệp được thực hiện thông qua 3 phương thức:
Một là, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa.
Hai là, thuê quyền sử dụng đất.
Ba là, hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Việc tích tụ đất nông nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn vằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trả lời kiến nghị. Ảnh: Dân Việt |
Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Đất đai 2024 giải quyết những bất cập của luật cũ, tạo điều kiện tích tụ đất đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa. Tuy nhiên, luật mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 nên cần thời gian để phổ biến rộng rãi tới người dân.
Qua đó, giúp các tổ chức cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường…
Về quy hoạch liên tỉnh, Bộ trưởng cũng đề xuất các địa phương cần phối hợp xây dựng quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo tính đặc thù và phát triển bền vững.