| ||
Nhu cầu vàng trong nước vẫn cao. (Ảnh: Đức Thanh) |
Song theo các chuyên gia, nhu cầu vàng trong nước vẫn cao, trong khi cung không thể đáp ứng đủ cầu, nên giá vàng vẫn bị áp đảo và tăng.
Theo thông tin từ NHNN, còn thiếu gần 10 tấn vàng để các ngân hàng có thể đóng trạng thái, do đó việc đấu thấu vàng sẽ tiếp tục được thực hiện.
Tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng vàng tồn kho của các ngân hàng trên địa bàn đủ đáp ứng 90% lượng vàng chi trả cho người dân để có thể tất toán đúng thời hạn.
Cá biệt, có trường hợp của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) còn âm trạng thái khoảng 4 tấn. Song do SCB đang thuộc diện tái cơ cấu, nên có thể sẽ có cơ chế riêng trong việc tất toán.
Theo ông Minh, nhiều khả năng sau khi các ngân hànghoàn tất việc tất toán trạng thái vàng, thị trường vàng sẽ dần ổn định hơn, một phần do cầu về vàng của các ngân hàng để tất toán trạng thái không còn. Từ đó, cung cầu trên thị trường được cân bằng và khả năng giá bán ra ở thị trường nội địa sẽ dần thu hẹp khoảng cách với giá thế giới.
Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới là do tâm lý giữ vàng của người dân luôn cao. Nhiều người mua vàng là những người giàu có, đang tìm chỗ trú trong “cơn mưa” lạm phát hiện nay. Tuy nhiên, việc hạn chế kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 đã hạn chế cung vàng miếng.
Ông Sơn cho rằng, nên sản xuất vàng nữ trang phục vụ trong dân khi hạn chế kinh doanh vàng miếng, bởi nói dân bán vàng gửi tiền là khó, nếu không tạo được niềm tin. Còn việc nhập khẩu vàng và bán trong dân cũng nên hạn chế. “Kiếm ngoại tệ về vốn khó, nhưng nếu mang ngoại tệ nhập vàng thì càng khó hơn. Không lẽ nhập vàng về chỉ để cân đối giá vàng trong nước với giá thế giới”, ông Sơn nhấn mạnh.
Còn dưới góc độ là nhà khoa học, TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ở mức cao như hiện nay đem lại nguồn lợi lớn cho những người có lượng vàng tồn kho. Lượng tồn kho này có thể tiếp ứng từ nguồn vốn ngân hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư. Nhưng nếu sau ngày 30/6, khi ngân hàng đã tất toán xong trạng thái vàng và nhu cầu vàng không còn nữa, nếu giá vàng thế giới tăng cao thì khả năng xuất lậu vàng là khó tránh khỏi và NHNN sẽ mất nguồn ngoại tệ.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), ông Trần Thanh Hải cho hay, nhu cầu giữ vàng của người dân là thực tế, nên không thể dùng biện pháp hành chính để người dân ngưng mua bán vàng, mà điều này còn tạo tâm lý găm vàng, bởi việc mua vàng miếng trên thị trường khó hơn trước.
Do đó, theo ông Hải, giải pháp tốt nhất là thành lập sàn vàng quốc gia. “Nếu có sàn vàng, NHNN cũng không cần hao tốn nhiều ngoại tệ để nhập vàng. Hơn nữa, thị trường có mua bán thì giá cũng sẽ tốt hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long nhận định, chủ trương của NHNN là muốn thu hẹp thị trường vàng vật chất, sử dụng mạng lưới ngân hàng thương mại để phân phối vàng miếng. Trước đây, các ngân hàng thương mại bán vàng huy động của dân, thì nay NHNN giúp họ đóng trạng thái thông qua việc đấu thầu vàng.
Tuy nhiên, theo ông Long, thị trường vàng đòi hỏi phải có những chỉ đạo linh hoạt hơn, vì giá vàng biến động trong ngày. “Vàng làm ảnh hưởng đến chính sách ngoại hối. Vì vàng cũng là ngoại tệ và rất dễ tái tạo USD, do đó không nên quá sợ việc nhập vàng sẽ làm chảy máu ngoại tệ”, ông Long nói và cho rằng, cần huy động vàng trong dân, thay vì cấm như hiện nay, bởi số vàng này có thể mang ra nước ngoài lấy ngoại tệ về.
Thế nhưng, ông Minh cho rằng, đánh thức tiềm lực vàng trong dân sẽ bất lợi ở 2 ý. Thứ nhất là về chi phí, nếu huy động được khoảng 30 tấn vàng, lãi suất 0,8%/năm, ngân hàng trả lãi 300 tỷ đồng. Thứ hai là về thanh khoản, khi dân rút vàng thì ngân hàng phải đảm bảo tồn quỹ để chi trả. Nếu sử dụng vàng huy động để bán can thiệp thị trường thì càng không nên, bởi vàng không phải hàng hóa thiết yếu bình ổn giá.
Thùy Vinh