Đánh giá của The Asian Banker được xét trên các tiêu chí về hiệu quả kinh doanh, sức mạnh thương hiệu, chiến lược phát triển, trải nghiệm của khách hàng, năng lực bán hàng, ứng dụng công nghệ và hành trình số hóa. Trong đó, TPBank dẫn đầu trong số các ngân hàng Việt về tiêu chí hiệu quả kinh doanh, hành trình số hóa và ứng dụng công nghệ. Kết quả trên cũng phản ánh đúng định hướng chiến lược phát triển theo mô hình ngân hàng số hiện đại của TPBank trong gần 10 năm qua.
Như vậy, với xếp hạng top 5 ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam và top 70 ngân hàng bán lẻ mạnh nhất Châu Á năm nay từ The Asian Banker, có thể nói TPBank đã dần hiện thực hoá mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Vài năm trở lại đây, TPBank là ngân hàng có khả năng sinh lời mạnh mẽ, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội qua từng năm. |
Kết thúc quý III năm 2020, TPBank đạt 3.024 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 74,33% kế hoạch cả năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) lần lượt là 22,63% và 1,80%. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ mảng bán lẻ của ngân hàng đã tăng khoảng 2,5 lần từ năm 2018. Số lượng khách hàng cá nhân tăng từ hơn 60.000 khách năm 2012 lên hơn 3,7 triệu khách ở thời điểm hiện tại.
Lợi thế lớn nhất của TPBank, như đánh giá của The Asian Banker đã khẳng định, chính là nền tảng của một trong những ngân hàng số hàng đầu Việt Nam.
Hiện tại, TPBank là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam phát triển được hệ thống ngân hàng số tự động LiveBank có khả năng cung cấp cho khách hàng cá nhân gần như đầy đủ dịch vụ giống một phòng giao dịch truyền thống ở mọi thời điểm trong ngày.
Song song với LiveBank là hệ thống ngân hàng di động được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ eBank X hiện đại nhất thế giới hiện nay. Đầu tuần trước, ứng dụng tài chính TPBank Mobile của ngân hàng đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng tài chính được tải nhiều nhất tại Việt Nam, trên cả App Store và Google Play với lượng tải trung bình tăng khoảng 40-60% mỗi ngày.
Đại diện ngân hàng cho hay, số lượng người tải và sử dụng app TPBank có sự chuyển biến tích cực, trung bình mỗi năm tăng 30%. Trong 3 năm qua, lượng người sử dụng ứng dụng này tăng gấp 2,3 lần. Riêng trong năm 2020, số lượng khách hàng đăng ký app tăng khoảng 250% so với cuối năm 2019.
TPBank cũng gặt hái nhiều thành công nhờ tập trung vào hai hoạt động bán lẻ chính là cho vay mua ô tô và cho vay mua nhà. Ngân hàng thường xuyên đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng, nhờ đó dư nợ cho vay bán lẻ của TPBank liên tục tăng, từ 38,6% tổng cho vay khách hàng năm 2015 lên 53,3% năm 2019.
Trong báo cáo phân tích về TPBank được thực hiện tháng 9 vừa qua, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định TPBank là ngân hàng bán lẻ hiện đại, am hiểu công nghệ với thế mạnh chủ chốt trong thị trường cho vay mua nhà và ô tô, sử dụng phương pháp cho vay theo chuỗi giá trị.
“Chúng tôi tin rằng TPBank có vị thế mạnh mẽ để phát triển sau đại dịch Covid-19 nhờ thanh khoản và nền tảng vốn vững chắc hơn, lợi thế đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số. Điều này cho phép TPBank không những theo đuổi chiến lược dài hạn mà còn thâm nhập hơn nữa mảng cho vay bán lẻ có bảo đảm, đặc biệt là thế chấp nhà ở, bổ sung cho việc tăng trưởng thu nhập từ lãi, mà còn mở rộng cơ sở khách hàng trong bối cảnh gia tăng nhanh chóng của xu hướng số hóa ngành ngân hàng và do đó, thúc đẩy tăng thị phần, CASA và thu nhập ngoài lãi,” BVSC nhấn mạnh trong báo cáo.