Trấn an cổ đông
Cuộc gặp với các nhà đầu tư thường niên của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) để thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 diễn ra sau “cơn địa chấn” cuốn bay ngàn tỷ đồng của đại gia bán lẻ này.
Tăng trưởng hiện tại của Thế giới Di động chủ yếu đến từ chuỗi Điện máy Xanh. Ảnh: Lê Toàn |
Chỉ trong 3 ngày, Thế giới Di động đã bị thổi bay gần 2.000 tỷ đồng vốn hóa trên thị trường vì scandal lộ 5,4 triệu thông tin của khách hàng của mình xuất hiện trên mạng xã hội và rơi vào chuỗi ngày đen tối khi liên tục giảm giá mạnh, giá cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/11/2018, cổ phiếu MWG đã sụt giảm tới 3,64%, tương đương với việc mất đi 4.000/cổ phiếu, xuống mức 106.000 đồng/cổ phiếu.
Chiều ngày 9/11, ngay sau khi Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố kết quả “chưa nhận thấy các dấu hiệu tấn công vào các thành phần của hệ thống công nghệ thông tin”, Thế giới Di động đã lập tức gửi email để trấn an cổ đông, phủ nhận vụ việc. Tuy nhiên, điều đó vẫn khiến cho rất nhiều khách hàng và cổ đông của doanh nghiệp này hoang mang.
Đặc biệt, MWG là một trong 2 cổ phiếu khiến Pyn Elite Fund - một trong những quỹ ngoại lớn nhất đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mất tiền nhiều nhất trong năm 2018 với khoảng 12,28 triệu Euro. Trong khi, năm 2017, MWG là “đầu tàu” tăng trưởng của quỹ này. Hiện nay, MWG đang là khoản đầu tư lớn nhất, chiếm 15% danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund.
Hai chiến lược lấy thị phần trước khi thương mại điện tử bùng nổ
Trong cuộc gặp với các nhà đầu tư, thông tin về chiến lược kinh doanh mới của Thế giới Di động đặc biệt thu hút sự chú ý, thậm chí xoay trục quan tâm của các nhà đầu tư thay vì sự hoang mang về việc bị lộ thông tin khách hàng.
Tính đến cuối quý III/2018, Thế giới Di động có 2.184 siêu thị. Trong đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu theo chuỗi Điện máy Xanh đạt gần 80% so với cùng kỳ năm 2017; trong khi đó, chuỗi Thegioididong.com đạt 19%; chuỗi Bách hóa Xanh chỉ chiếm doanh thu khiêm tốn, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu theo chuỗi đạt
tới 235%.
Trong 10 tháng năm 2018, doanh thu thuầ̀n hợp nhất của Thế giới Di động đạt 72.275 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.413 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu online đạt 9.848 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,5% tổng doanh thu và tăng trưởng 117% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu mở 900 cửa hàng điện máy trong 2 năm tới để chiếm 50% thị phần. Hiện, công ty này đang có 35% thị phần thị trường điện máy cả nước. Việc tăng thêm 15% phải được hoàn thành, trong chậm nhất 24 tháng tới nhằm lặp lại kỳ tích như ngành hàng điện thoại.
Trước mắt, Thế giới Di động tiếp tục mở mới cửa hàng Điện máy Xanh, nâng số lượng chuỗi từ 747 cửa hàng hiện tại lên 900 cửa hàng; cùng với đó là “lột xác” tất cả cửa hàng “chuyên gia điện máy” Trần Anh nếu có khả năng đạt các chỉ tiêu kinh doanh và không ngần ngại đóng cửa, tránh trở thành gánh nặng kinh doanh cho toàn chuỗi.
Theo giới chuyên môn, việc gộp 2 thương hiệu này vào làm một, mang tên Điện máy Xanh là lựa chọn đúng đắn, bởi chi phí marketing cho cả hai nhãn sẽ rất tốn kém.
Một chuyên gia trong lĩnh vực điện máy cho rằng, chắc chắn, Thế giới Di động sẽ mở mở rộng chuỗi cửa hàng Điện máy Xanh ở miền Bắc, vì đây là thị trường mà chuỗi này chưa có độ phủ dầy như thị trường miền Nam. Hơn nữa, tại các tỉnh, thành phố ở miền Bắc dễ kiếm mặt bằng hơn, nhất là những mặt bằng quy mô nhỏ.
Ngoài ra, từ tháng 12/2018, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động bắt đầu thử nghiệm phương thức “hai giá cho một sản phẩm”, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online) và bớt dịch vụ hậu mãi để cung cấp giá rẻ hơn. Phương thức này nhắm vào phân khúc tiêu dùng điện máy online - nhóm khách hàng Công ty chưa tập trung khai thác nhiều trong thời gian qua.
“Chúng tôi muốn cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng với mỗi sản phẩm bán ra, nhưng vẫn có những khách hàng chỉ muốn mua hàng ở mức rẻ hơn, dù chỉ vài trăm ngàn đồng”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động cho biết.
Theo đó, Công ty sẽ có hai mức giá khác nhau cho các sản phẩm điện máy. Một mức giá đi cùng với tất cả tiện ích giao hàng nhanh, lắp ráp và bảo hành từ đội ngũ Thế giới Di động. Mức giá thứ hai thấp hơn, nhưng khách hàng phải trả phí để nhân viên kỹ thuật đến sửa chữa, hoặc chờ đợi trợ giúp từ hãng sản xuất. Như vậy, cùng một sản phẩm, Thế giới Di động đưa ra nhiều cách để bán đến tay khách hàng.
Động thái này của Thế giới Di động nằm trong 2 cách duy trì tăng trưởng cho Công ty. Đó là bán những vật phẩm chưa từng kinh doanh và cung cấp dịch vụ đến đối tượng chưa từng phục vụ.
Một chuyên gia trong ngành điện máy nhận định, đây là quyết định đúng của ông Tài khi “thò chân” sang bán online với giá rẻ hơn. Trong khi Nguyễn Kim (thuộc Central Group) và Vinpro (Vingroup) cũng đang làm theo hướng này nhưng chỉ theo kiểu “làm cho có”, thì Điện máy Xanh sẽ thực sự đẩy mạnh để chiếm lấy thị phần trước khi thương mại điện tử bùng nổ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, quyết định trên cũng sẽ gây xung đột giá với hệ thống cửa hàng (offline) hiện tại của Thế giới Di động. “Chưa biết khách hàng sẽ phản ứng thế nào. Đó là lý do họ cần thử nghiệm mô hình trong một thời gian”, vị chuyên gia này nói.
Nếu việc thử nghiệm khả quan, Thế giới Di động đang dần tiến đến con đường cạnh tranh với các trang thương mại điện tử… Theo đó, mảng online sẽ tập trung vào 3 ngành hàng: điện thoại di động, điện máy và nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Và chắc chắn, mảng thương mại điện tử sẽ trở thành tương lai của Thế giới Di động.
Hướng đến “thế hệ tiêu dùng Z”
Một số nhà đầu tư nhận định, tăng trưởng hiện tại của Thế giới Di động chủ yếu đến từ chuỗi Điện máy Xanh, khi điện tử, điện lạnh và gia dụng chiếm tỷ trọng 40% trong cơ cấu doanh thu của Công ty.
Nhưng với quy mô hiện đã quá lớn, chuỗi điện máy này khó có thể tiếp tục tăng trưởng phi mã trong thời gian tới. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ điện thoại Thegioididong.com đã bước vào giai đoạn bão hòa, còn quy mô của chuỗi Bách hóa Xanh vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo số liệu dự báo của Euromonitor, Việt Nam có giá trị tiêu thụ hàng công nghệ điện máy lớn nhất và là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á duy trì được tốc độ tăng trưởng hai chữ số cho ngành hàng này trong giai đoạn 2018-2022.
Thị trường bán lẻ các sản phẩm này ước tính sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, do tỷ lệ thâm nhập của các mặt hàng điện lạnh trên số hộ gia đình tại Việt Nam còn tương đối thấp, cùng với nhu cầu tăng trong việc sở hữu nhiều hơn 1 sản phẩm điện máy cho 1 hộ gia đình hoặc thay mới các sản phẩm có công nghệ cao khi thu nhập khả dụng của người dân tăng lên.
Cùng với đó, Chủ tịch của Thế giới Di động dành sự chú ý đặc biệt đến “thế hệ tiêu dùng Z”. Đây là những người trẻ, sinh từ cuối những năm 1990 đến giữa những năm 2000, đang từng bước tham gia vào lực lượng lao động, tiêu dùng.
Theo ông Tài, hành vi tiêu dùng giữa một người 49 tuổi và thế hệ tiêu dùng Z chỉ từ 18 tuổi có nhiều khác biệt. Việc những người trẻ không quan tâm nhiều đến các giá trị tưởng như buộc phải có sẽ tạo những thay đổi ở thị trường bán lẻ trong tương lai. Hiện tại, nhóm thế hệ tiêu dùng Z vẫn chưa tự làm ra tiền và có quyền ra quyết định mua sắm những món hàng mà Thế giới Di động đang bán, nên Công ty chưa đưa ra những phương thức cụ thể để đáp ứng nhu cầu của nhóm, nhưng vẫn chuẩn bị để có thể phục vụ đối tượng khách hàng này trong vài năm tới.
Hiện Thế giới Di động đã triển khai nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng ở độ tuổi học sinh cấp 2, cấp 3. Dự kiến, sau năm 2020, Công ty sẽ có những thay đổi trong kinh doanh để phù hợp với nhóm khách hàng này. “Nếu không thay đổi thì sẽ không kịp để bán hàng cho nhóm này và sẽ bị các nhà bán lẻ ngoại chiếm mất”, ông Tài nói.