Đầu tư
Thế kẹt tại dự án tỷ đô cao tốc Bến Lức - Long Thành
Anh Minh - 16/11/2019 08:33
Cần gấp những hành động quyết đoán của các cấp có thẩm quyền để giải cứu Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, có tổng mức đầu tư lên tới gần 1,5 tỷ USD, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đang bị tê liệt do thiếu vốn kéo dài.
Cầu dây văng Bình Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thiếu vốn hoàn thành.

Vỡ trận

“Cho đến thời điểm này, mọi hoạt động tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gần như đã bị dừng lại sau khi chưa được điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện, vốn nước ngoài chưa được bố trí”, một lãnh đạo của VEC cho biết.

Đây là điều mà cả VEC và các liên danh nhà thầu đa quốc gia thi công tại Dự án khó có thể mường tượng nổi, bởi trước khi gói thầu xây lắp đầu tiên tại công trình cao tốc huyết mạch kết nối Đông và Tây Nam bộ với TP.HCM vào tháng 7/2014, chủ đầu tư đã nắm trong tay 2 hiệp định vay vốn thông thường (OCR) trị giá 647,13 triệu USD với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 1 hiệp định vốn vay theo hình thức STEP (vay theo điều kiện đặc biệt) trị giá 569,2 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong số này, các khoản vay ADB được VEC vay lại từ Bộ Tài chính, khoản vay JICA là khoản đầu tư của Nhà nước vào Dự án theo hình thức cấp phát.

Trên thực tế, việc thi công tại 5 gói thầu thuộc đoạn tuyến phía Tây đã được các đơn vị thi công chủ động dừng lại từ cách đây 5 tháng, sau khi Hiệp định vay 2730 - VIE hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019.

Theo lãnh đạo VEC, tính đến cuối tháng 10/2019, khoản vay 2730 - VIE mới giải ngân được 177,17 triệu USD, tương đương 50,62% tổng vốn vay.

Cần phải nói thêm rằng, theo kế hoạch được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt tiến độ, đoạn tuyến phía Tây sẽ phải hoàn thành gói thầu cuối cùng vào ngày 30/6/2019 để khớp với thời gian đóng hiệp định vay vốn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện đoạn tuyến này mới chỉ có gói thầu A2 - 1 và A3 đã cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu còn lại là A1, A2 - 2 và A4 vẫn đang trong giai đoạn thi công với sản lượng đạt khoảng 3.554 tỷ đồng, tương đương 86,63% giá trị hợp đồng.

Đoạn tuyến phía Đông gồm 3 gói thầu (A5, A6, A7), theo kế hoạch cũng sẽ phải hoàn thành vào ngày 31/12/2020 khi khoản vay 3391 - VIE hết hiệu lực.  Đáng tiếc là do chậm trễ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phải thay đổi thiết kế kỹ thuật theo yêu cầu của các địa phương, tiến độ thi công tại phân đoạn phía Đông tính đến tháng 9/2019 mới đạt 516/2.002 tỷ đồng (tương đương 26%). Khả năng rất cao là phân đoạn phía Đông sẽ không thể hoàn thành vào cuối năm 2020 và sẽ rơi vào tình trạng thi công giữa chừng thì hết vốn như các gói thầu thuộc phân đoạn phía Tây nếu việc gia hạn Hiệp định vay 3391 - VIE không được khởi động kịp thời.

Nếu như khó khăn về vốn chỉ mới xuất hiện tại phân đoạn vay vốn ADB, thì tại đoạn vay vốn JICA dài 10,71 km, gồm 3 gói thầu J1 (cầu dây văng Bình Khánh), J3 (cầu dây văng Phước Khánh) và J2 (đoạn nối 2 cầu dây văng) hiện tượng “giáp hạt” vốn đã kéo dài gần 2 năm nay sau khi chủ đầu tư Dự án bị “văng” ra khỏi danh sách các đơn vị được nhận vốn nước ngoài theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội.

Hiện 2 gói thầu quan trọng nhất tại phân đoạn này là J1 (theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 3/2020), J3 (theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 7/2019) đã dừng thi công và cũng chỉ mới đạt lần lượt 76% và 80% giá trị hợp đồng.

Các khó khăn về vốn, cộng với những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, rà soát thiết kế kỹ thuật một số gói thầu, sự sa sút về năng lực thi công của nhiều nhà thầu… khiến thời hạn hoàn thành Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang là một ẩn số khó dự đoán đối với chính chủ đầu tư.

Nguy cơ thiệt hại lớn

Không phải đợi “nước đến chân”, ngay từ cuối năm 2018, VEC đã báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc phải khẩn trương gia hạn các hiệp định vay ADB để đảm bảo nguồn vốn từ nhà tài trợ này được cung cấp đầy đủ khi các gói thầu xây lắp được hoàn thành sau khi điều chỉnh lại tiến độ theo đúng diễn biến thực tế, cũng như việc bố trí vốn nước ngoài cho Dự án.

Trên cơ sở đề xuất của VEC, từ tháng 3/2019, Bộ GTVT đã trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, bao gồm các nội dung: gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 6/2021, gia hạn hiệp định vay ADB đến ngày 14/12/2020, việc sử dụng vốn dư và cắt giảm vốn dư khoản vay ADB.

Vào tháng 7/2019, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương có Công thư gửi ADB đề nghị gia hạn hiệp định vay của Dự án để các cơ quan Việt Nam hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định trong nước. Đồng thời, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh Dự án theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, do vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên hiện chưa có quyết định cuối cùng về thẩm quyền “cơ quan chủ quản dự án, cấp quyết định đầu tư”, nên chủ trương điều chỉnh Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang phải tạm treo. Điều này khiến việc gia hạn các hiệp định vay vốn với ADB cũng phải gác lại và chưa thể biết chính xác khi nào việc đàm phán có thể khởi động lại.

Trường hợp không thể hoàn thành thủ tục gia hạn khoản vay 2730-VIE, dẫn đến việc ADB đóng khoản vay này và phải điều chuyển vốn sang khoản vay 3391-VIE, thì Dự án Bến Lức - Long Thành sẽ phải thực hiện lại từ đầu các thủ tục trong nước về điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay 3391-VIE phía Việt Nam. Theo báo cáo của VEC, dự kiến cần 6 - 8 tháng (ít nhất kể từ khi xác định được cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư) để thực hiện thủ tục pháp lý trong nước về điều chỉnh các hiệp định vay, điều chỉnh Dự án.

Bên cạnh đó, do thời gian thực hiện Dự án Bến Lức - Long Thành từ nay đến thời điểm đóng Hiệp định khung MFF với ADB (ngày 14/12/2020) còn rất ít (khoảng 13 tháng), việc phải thực hiện lại thủ tục điều chỉnh Hiệp định và Dự án đầu tư sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả đầu tư công trình khi hàng ngàn tỷ đồng vốn đã bỏ ra sẽ chỉ là các hạng mục dang dở không có công năng sử dụng.

Đối với hợp phần vay vốn JICA, các nhà thầu sẽ phải tiếp tục dừng thi công cho tới khi nguồn vốn nước ngoài trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 tiếp tục được phân bổ cho VEC.

Để cứu tiến độ công trình và bị nhà thầu khiếu nại do chậm thanh toán, VEC đề nghị Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho phép được tạm sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi, chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để tiếp tục giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành 2 dự án đang trong giai đoạn thi công, nhưng chưa kịp gia hạn hiệp định vay vốn là Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 9/2019, Bộ GTVT cho biết, việc thiếu vốn giải ngân đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện Dự án, các nhà thầu đều yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thanh toán khối lượng đã thực hiện và làm rõ kế hoạch nguồn vốn để xây dựng kế hoạch tiếp theo.

“Nếu không quyết liệt giải quyết nhanh các tồn tại để thúc đẩy tiến độ Dự án thì nguy cơ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế/tài chính do bồi thường dừng thi công, chậm hoàn thành đưa công trình vào khai thác hoàn vốn, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay và gây dư luận xã hội không tốt đối với dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km, đi qua 3 tỉnh, thành phố (Long An: 5,12 km; TP.HCM: 27,43 km và Đồng Nai: 25,25 km), trong đó trên 2/3 chiều dài tuyến trùng với tuyến Vành đai III TP.HCM; tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư Dự án là 1.488,88 triệu USD (tương đương 31.320 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị xây lắp thực hiện của toàn dự án khoảng 76,19%.

Tin liên quan
Tin khác