Tài chính - Chứng khoán
Thêm bước đệm để Tiki tiến hành IPO tại Mỹ
Anh Hoa - 17/05/2022 10:36
Liên tục gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, Tiki đang được tạo đà để đẩy sớm IPO tại Mỹ, có thể thông qua hình thức SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).
Tiki đang triển khai tài xế xe máy ở các thành phố lớn để giao hàng nhanh.

Bước đệm mới từ Shinhan

Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) vừa chọn Tiki làm đối tác chiến lược tại Việt Nam và mua 10% cổ phần. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng sau thương vụ, tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai tại Hàn Quốc này đã trở thành cổ đông lớn thứ ba của Tiki.

Trong đó, Shinhan Bank sẽ mua 7% cổ phần tại Tiki, Shinhan Card sẽ nắm giữ 3% còn lại.

Với hơn 20 triệu khách hàng, Tiki đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử của Việt Nam, với dịch vụ chuyển phát nhanh từ thực phẩm cho tới sản phẩm bảo hiểm.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Tiki đã huy động thành công khoảng 450 triệu USD, với mức định giá tính tới tháng 12/2021 là 832 triệu USD. Gần đây nhất, vào tháng 11/2021, Tiki đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng đầu tư do AIA Insurance dẫn dắt. Mục đích là nhằm mở rộng thị phần thương mại điện tử, cũng như phục vụ kế hoạch IPO trong tương lai.

Thương vụ này giúp hai bên sớm đạt được mục đích của mình. Cụ thể, Shinhan mở rộng thêm tệp khách hàng, nâng cấp hệ thống đánh giá tín nhiệm dựa trên các thông tin phi tài chính và thâm nhập vào môi trường kỹ thuật số. Trong khi đó, Tiki đẩy nhanh kế hoạch IPO tại Mỹ.

Việc Tiki liên tục gọi vốn quốc tế thành công cho thấy niềm tin của thị trường vốn toàn cầu vào sự tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam.

Năm 2020, việc phát hành SPAC đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Với hơn 83 tỷ USD được huy động từ 248 SPAC, so với 13,6 tỷ USD đã huy động được thông qua 59 giao dịch trong năm 2019, tăng hơn 6,1 lần về giá trị và tăng 4,2 lần về số lượng giao dịch.

Giá trị SPAC trung bình năm 2020 đạt 334 triệu USD, trong năm 2019 là 230,5 triệu USD. Bước sang năm 2021, sự bùng nổ SPAC đã cho thấy không có dấu hiệu chậm lại khi các công ty đã huy động được 53 tỷ USD.

Công ty dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025, nhưng nhà sáng lập Tiki muốn đẩy kế hoạch này lên sớm 1 năm. IPO có thể thông qua hình thức SPAC, sáp nhập với công ty thâu tóm chuyên nghiệp.

Tiki đang là một trong những công ty thương mại điện tử nội địa lớn nhất Việt Nam, hoạt động trên toàn quốc và có khoảng 4.000 nhân viên. Các nhà đầu tư trước đây bao gồm Sumitomo Corp, JD.com và Northstar Group.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Tiki từng khẳng định, việc kêu gọi đầu tư từ các quỹ đã dần kém hiệu quả do Công ty lỗ liên tục. Việc IPO thành công tại Mỹ có thể mang lại lợi ích lớn trong việc huy động vốn của Công ty. Nếu IPO thành công, Tiki có thể mở đường cho tăng cường đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ non trẻ của Việt Nam.

Tiki đang nỗ lực thể hiện tiềm năng của mình. Hiện sàn thương mại điện tử này đang sở hữu tệp khách hàng là tầng lớp trung lưu ngày càng lớn của Việt Nam, đang chuyển sang thương mại điện tử ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19, dịch vụ giao đồ ăn tươi sống của Tiki mở rộng nhanh chóng. Tiki dự kiến tăng trưởng doanh thu 40-50% trong vài năm tới.

Tiki cũng đang triển khai tài xế xe máy ở các thành phố lớn để giao hàng nhanh nhất là 2 giờ sau khi có đơn đặt hàng và đang thử nghiệm giao hàng trong 30 phút và 1 giờ. Nguồn vốn mới cũng đầu tư vào logistics (bao gồm trí tuệ nhân tạo và robot để quản lý hàng tồn kho), đơn đặt hàng và giao hàng.

CEO Trần Ngọc Thái Sơn tiết lộ, Tiki có kế hoạch cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tùy chỉnh và dễ mua. Công ty có quan hệ đối tác 10 năm với bảo hiểm AIA. Tiki đang đa dạng hóa hơn nữa bằng cách phát triển một nền tảng cho phép các doanh nghiệp tích hợp ứng dụng độc lập vào hệ sinh thái của Tiki, chẳng hạn như ứng dụng của một công ty đầu tư cho phép người dùng truy cập các gói đầu tư.

Nhà sáng lập Tiki khẳng định, sẽ tập trung nhiều vào thị trường Việt Nam, với kỳ vọng chiếm 1%, 2%, đến 3% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam.

Chính phủ đặt mục tiêu mua sắm trực tuyến chiếm 10% doanh số bán lẻ toàn quốc, riêng Hà Nội và TP.HCM lên đến 50% vào năm 2025. Theo báo cáo của Facebook và Bain & Co, thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam dự kiến đạt 12 tỷ USD trong năm 2022 và 56 tỷ USD vào năm 2026. Đây là dư địa để Tiki có thể tăng trưởng mạnh.

Tiki không ngừng mở rộng thị phần thương mại điện tử, phục vụ kế hoạch IPO trong tương lai

Hai rủi ro lớn với SPAC

SPAC không phải là mới. Trên thực tế, chúng đã tồn tại hàng thập kỷ và có sự hấp dẫn nhất định đối với các nhà đầu tư. Gần đây, các nhà đầu tư mạo hiểm đã phát huy tác dụng đối với SPAC, sau quá trình phát triển kéo dài nhiều năm của cơ chế tài chính và thành công của các nhân vật nổi bật, các công ty đã được hưởng lợi rất lớn bởi SPAC.

IPO truyền thống là một công ty tìm kiếm tiền, trong khi SPAC là một công ty tìm kiếm công ty. SPAC là các công ty vỏ, không có hoạt động thương mại hoặc tài sản được tạo ra bởi một nhà tài trợ chuyên thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), cổ phần tư nhân hoặc là một doanh nhân thành đạt. Nhà tài trợ này sẽ tìm cách huy động vốn thông qua IPO với mục đích duy nhất là đạt được mục tiêu hoạt động công ty và đưa nó IPO mà không cần thông qua quy trình IPO truyền thống.

Vốn huy động được từ IPO được đặt trực tiếp vào tài khoản ủy thác và các nhà tài trợ của SPAC sau khi IPO từ 18-24 tháng nhằm xác định và hoàn thành việc sáp nhập với một công ty mục tiêu.

Theo Maggie Vo, Giám đốc điều hành Quỹ Fuel VC (Mỹ), thị trường SPAC đã phình to trong vài năm qua. Trước năm 2020, SPAC chưa bao giờ có thị phần lớn hơn IPO truyền thống và số vốn huy động của SPAC chưa bao giờ chiếm hơn 20% tổng số tiền thu được từ IPO. Trong khi đó, trong năm 2020, IPO qua hình thức SPAC đã chiếm 55% tổng số thương vụ IPO trên thị trường Mỹ. Điều này cho thấy, SPAC đã trở thành xu hướng chủ đạo và dự kiến tiếp tục ảnh hưởng đến việc M&A của thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, các nhà đầu tư cũng có thêm nhiều cơ hội.

Trong bối cảnh các công ty tư nhân buộc phải giảm đốt tiền của họ và việc tìm kiếm dòng tiền từ các quỹ đầu tư ngày càng hạn chế, thì việc tìm đến SPAC là hiển nhiên. Chưa kể, thời gian để IPO qua hình thức SPAC chỉ mất khoảng 5-6 tháng, trong khi IPO truyền thống phải mất ít nhất 1 năm.

Ở Mỹ, sàn Nasdaq thường là sự lựa chọn của các công ty công nghệ, còn NYSE thì thường dành cho những công ty lớn trong những mảng khác. Công ty niêm yết trên Nasdaq thường chú trọng nhiều về tăng trưởng, còn công ty trên sàn NYSE, vì đã lớn mạnh nên thường chú ý đến lợi nhuận và trả cổ tức cho nhà đầu tư.

Do đó, khi các công ty non trẻ có liên quan đến công nghệ ở Việt Nam như Tiki có kế hoạch IPO ở Mỹ, mà lại chọn hình thức SPAC, khiến  nhà đầu tư quốc tế rất phấn khích.

Trong 2 năm trở lại đây, SPAC là hình thức IPO được nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp sử dụng, đặc biệt là thị trường Mỹ. Nó giúp các công ty tư nhân lên sàn sớm hơn và nhanh hơn.

Quỹ Fuel VC của  Maggie Vo cũng vừa chạy một SPAC và đang tích cực tìm kiếm công ty để hợp nhất và giúp họ lên sàn theo hình thức này. Đó là Maquia Capital Acquisition Corp, một công ty SPAC trị giá 175 triệu USD. Maquia đang nhắm mục tiêu vào các công ty tăng trưởng theo cấp số nhân, tập trung vào công nghệ hoạt động trên toàn cầu.

Maggie Vo cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất hiện giờ của SPAC là nhà đầu tư có thể rút vốn sau khi nhà tài trợ SPAC lựa chọn công ty muốn sáp nhập. Điều đó có thể làm cho công ty lên sàn sớm hơn với ít quỹ đầu tư chờ đợi hơn và không thể tăng trưởng như mong đợi. Do đó cổ phiếu bị rớt giá nghiêm trọng. Rủi ro thứ hai liên quan tới những quy định vì gần đây Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) siết chặt những luật lệ liên quan đến SPAC hơn.

Dẫu vậy, trong thời gian tới, hoạt động SPAC vẫn có cơ hội được chứng kiến kỷ lục mới. Đối với một số nhà đầu tư, sức hấp dẫn vẫn còn, thậm chí đạt đến mức độ bùng nổ hơn. Lịch sử cho thấy, bức tranh nhiều màu sắc của thị trường vốn Mỹ luôn mang lại nhiều bất ngờ. Mặc dù vậy, SPAC sẽ không thay thế các IPO truyền thống hoặc niêm yết trực tiếp như một con đường chính để các công ty tiếp cận với thị trường đại chúng. Các công ty sẽ lựa chọn cách khác nhau, trong đó, việc liệu người sáng lập có cần huy động vốn sơ cấp hay không, cần số lượng lớn vốn thứ cấp, liệu câu chuyện của họ có thú vị đối với các nhà đầu tư thị trường đại chúng ngay từ khi bước ra khỏi cổng hay không và nhiều yếu tố khác.

“Vì SPAC mang lại sự linh hoạt, hiệu quả và chắc chắn hơn, chúng nhất định sẽ giành được vị trí xứng đáng và được các công ty tư nhân, nhà đầu tư lựa chọn như một con đường thay thế để đến sàn giao dịch quốc tế nhanh hơn”, Maggie Vo khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác