Viễn thông - Công nghệ
Thêm cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực ngành bán dẫn
Kỳ Thành - 11/09/2024 22:44
Sự kiện công bố Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngày 11/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Bang Arizona (ASU) tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đức Trung

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhân kỷ niệm một năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và nhằm triển khai ngay Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ.

Sự kiện công bố hôm nay không chỉ đánh dấu sự bắt đầu chương trình đào tạo mới với tiêu chuẩn quốc tế về đóng gói, kiểm thử vi mạch dành cho đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường đại học tại Việt Nam, mà còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đức Trung

Việt Nam đang triển khai một loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy vai trò của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, tập trung vào phát triển lực lượng lao động và chính sách công. Các hoạt động này là một phần của Quỹ ITSI - một sáng kiến ​​quan trọng của Đạo luật CHIPS và Khoa học của Hoa Kỳ, được thiết kế để tăng cường năng lực bán dẫn và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Việt Nam là một trong 8 quốc gia chiến lược được lựa chọn cho sáng kiến ​​này, cùng với Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya và Ấn Độ.

Thông qua sáng kiến ​​này, ASU cũng hợp tác với các tổ chức giáo dục để các giáo sư và sinh viên có thể nhận được sự cố vấn và tiếp cận các khóa học. ASU đã ra mắt cổng thông tin https://itsi-skillsaccelerator.org, cung cấp các khóa học miễn phí cho sinh viên quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn. Nền tảng này cũng tạo cơ hội cho giáo viên nhận được chứng chỉ về công nghệ bán dẫn, đóng vai trò là trung tâm cho các cá nhân và tổ chức mong muốn tham gia vào lĩnh vực quan trọng này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những hoạt động hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác hai nước.

Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái bán dẫn, bao gồm kế hoạch xây dựng 2 trung tâm đào tạo bán dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hà Nội, qua đó góp phần đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư bán dẫn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với Hoa Kỳ trong việc triển khai các sáng kiến về bán dẫn trong khuôn khổ OECD, bao gồm mạng lưới chuyên gia bán dẫn, nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Đồng tình với những ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, "Hoa Kỳ tự hào đầu tư vào tương lai của Việt Nam thông qua các chương trình phát triển lực lượng lao động tạo ra mối quan hệ đối tác lâu dài. Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng mối quan hệ giữa các tổ chức sẽ định hình ngành công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm tới".

Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức công bố Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung

Theo các chuyên gia tại sự kiện, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. 

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học này đặt mục tiêu đào tạo khoảng 15.000 kỹ sư bán dẫn cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Con số này là rất tham vọng, khi mà trước năm 2024, quy mô đào tạo thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia TP.HCM khoảng 200 sinh viên, 50 học viên cao học, trên tổng quy mô đào tạo 100.000 sinh viên và học viên.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, đây là ngành học hết sức tiềm năng trong thời gian tới, với kết quả bước đầu là Đại học Quốc gia TP.HCM đã mở mới 7 chương trình đào tạo, tăng 62% chỉ tiêu tuyển sinh, tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2024 là 1.090 sinh viên và học viên. “Xu hướng lựa chọn ngành bán dẫn ngày càng tăng, điểm chuẩn cũng ngày càng cao”, ông Quân cho hay.

Tin liên quan
Tin khác