Vietcombank đang có lãi suất huy động thấp nhất nhì hệ thống |
Hôm nay (30/11), Vietcombank chính thức áp dụng biểu lãi suất huy động mới, giảm 0,2%/năm ở các kỳ hạn so với trước đó. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 2,4%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 2,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 3,7%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng chỉ còn 4,8%/năm.
Với lãi suất này, Vietcombank là ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay. Trước đó, ba ngân hàng còn lại trong nhóm big 4 là VietinBank, BIDV, Agribank cũng thông báo giảm lãi suất huy động áp dụng với một số kỳ hạn.
Cụ thể, hôm qua (29/11), VietinBank công bố giảm 0,1-0,2%/năm lãi suất huy động một số kỳ hạn. Theo đó, tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 3%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,15%/năm xuống chỉ còn 3,3%/năm. Các kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,1% xuống còn 4,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng được giữ nguyên 5,3%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng giữ nguyên 5,5%/năm.
BIDV cũng giảm 0,1%/năm lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn từ 6-11 tháng, còn 4,5%/năm; giảm 0,2%/năm tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 12-36 tháng, xuống còn 5,3%/năm. BIDV vẫn giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn từ 1-5 tháng. Hiện, lãi suất kỳ hạn 1 -2 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,5%/năm.
Tại Agribank, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng được Agribank giảm 0,2%/năm xuống còn 3,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng được giảm 0,25%/năm xuống còn 3,6%/năm. Đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6-9 tháng, Agribank điều chỉnh giảm 0,2%/năm xuống còn 4,5%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12-18 tháng cũng được nhà băng này giảm thêm 0,2%/năm, xuống mức 5,3%/năm bằng 2 ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 như Vietinbank, BIDV. Riêng kỳ hạn 24 tháng được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất 5,5%/năm.
Tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm thêm ở mức 0,2-0,4%/năm. Cụ thể, MB vừa thông báo giảm 0,2%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến 5 tháng. Cụ thể, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng còn 3,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,6%/năm, kỳ hạn 4 và 5 tháng còn 3,7%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng được MB điều chỉnh giảm 0,3%/năm. Do đó, lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng còn 4,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 9-10 tháng còn 4,9%/năm, kỳ hạn 11 tháng còn 5%/năm.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 12-15 tháng, lãi suất được điều chỉnh giảm 0,2%/năm. Hiện tiền gửi kỳ hạn 12 tháng có lãi suất là 5,2%/năm, kỳ hạn 13-15 tháng lãi suất 5,3%/năm.
Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 18 tháng được MB giảm 0,4%/năm, còn 5,7%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 24-60 tháng vẫn đang được MB niêm yết mức cao nhất thị trường khi giữ nguyên ở mức 6,5%/năm.
Hôm qua, Techcombank cũng thông báo giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6-36 tháng với mức giảm 0,1%/năm. Cụ thể, đối với tài khoản tiết kiệm mở mới dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 6-8 tháng hiện còn 4,65%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9-11 tháng còn 4,7%/năm và kỳ hạn 12-36 tháng là 5,05%/năm. Đối với tiền gửi từ 1-3 tỷ đồng, khách hàng được cộng thêm 0,05%/năm so mức lãi suất với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng ở các kỳ hạn tương ứng.
Ngân hàng áp dụng mức lãi suất chung cho mọi loại tiền gửi kỳ hạn từ 1-5 tháng. Kỳ hạn 1-2 tháng là 3,55%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,75%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động đang về vùng thấp nhất lịch sử song tín dụng vẫn tăng rất chậm, do cầu vay vốn của nền kinh tế yếu. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp xa so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (khoảng 14-15%), cũng như thấp xa so với mức tăng trưởng tín dụng (mà Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ cho) toàn hệ thống (14,5%)
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2023, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã đạt xấp xỉ 12,68 triệu tỷ đồng. Con số này đã tăng thêm gần 233.000 tỷ đồng so với cuối tháng 8.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của hệ thống ngân hàng ngày càng nhanh. Trước đó, vào tháng 8, tổng tiền gửi khách hàng tăng thêm so với tháng trước hơn 147.500 tỷ đồng.
Trong số tiền gửi hệ thống ngân hàng, tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục duy trì đà tăng, dù mức tăng thấp hơn so với tháng trước. Theo đó, người dân đã gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 16.000 tỷ đồng, đưa lượng tiền gửi khu vực này lên mức cao nhất mọi thời đại là 6,449 triệu tỷ đồng.
Tính từ đầu năm, tiền gửi dân cư đã tăng mạnh tới 9,95%, tương ứng tăng 583.000 tỷ đồng. Trong đó, người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng những tháng đầu năm, khi lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Chẳng hạn tiền gửi dân cư trong tháng 1 đã tăng thêm tới 177.300 tỷ đồng; tăng 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.
Đối với khu vực doanh nghiệp, lượng tiền được gửi trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9, với mức tăng lên tới hơn 217.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng. Trước đó, con số tăng trưởng trong tháng liền trước là 103.500 tỷ đồng.
Với con số tăng đột biến trong tháng 9, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng vọt lên hơn 6,23 triệu tỷ đồng, qua đó cũng đưa lượng tiền gửi khu vực này tăng trưởng 4,65% so với đầu năm, vượt xa con số 1% thời điểm cuối tháng 8.