HNX cho biết sẽ xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu KLF do tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. HNX đề nghị công ty có văn bản phản hồi về vấn đề này trong thời hạn 5 ngày làm việc tính từ ngày 4/1.
Trước đó, vào giữa tháng 11/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS do những vi phạm liên quan đến công bố thông tin.
Cụ thể, Công ty bị phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022 và 2023 cũng như báo cáo thường niên 2022 trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, Công ty cũng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính quý II/2023 trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Bên cạnh đó, Công ty bị phạt 150 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch. Cụ thể, năm 2021, Công ty có giao dịch với các bên liên quan như Công ty TNHH Hải Châu, Công ty cổ phần Nông dược HAI, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC. Tuy nhiên, trong báo cáo quản trị, Công ty nêu “không có phát sinh giao dịch”.
Một trong những thông tin được công ty công bố gần nhất là kết quả cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Thông tin này được công bố vào ngày 5/1/2024. Theo đó, cuộc họp này chỉ có 22 cổ đông (bao gồm 7 cổ đông trực tiếp và 15 cổ đông ủy quyền) tham dự trong tổng số 18.375 cổ đông của công ty. Tỷ lệ cổ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự cuộc họp là 0,207% nên không đủ điều kiện tiến hành theo quy định.
Trên sàn HNX, cổ phiếu KLF bị đình chỉ giao dịch nên thị giá đứng yên ở mức 800 đồng từ đầu tháng 3/2023 đến nay. Mức này kém xa so với vùng đỉnh 10.500 đồng/cổ phiếu được thiết lập sau chuỗi tăng nóng vào đầu năm 2022. Cổ phiếu này bắt đầu chuỗi trượt dài khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.
Đại diện ban lãnh đạo KLF từng cho biết sự kiện đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, vì dù ông Quyết không sở hữu cổ phần hay trực tiếp điều hành tại đây, cổ đông mặc định hai doanh nghiệp có mối quan hệ nên bán tháo cổ phiếu. Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng là đối tác lớn nhất và ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của Công ty, nên khi ông Quyết bị bắt kéo theo các hợp đồng kinh tế và dòng tiền công nợ bị chậm lại.
Trước KLF, 5 cổ phiếu khác liên quan đến Tập đoàn FLC đã bị hủy niêm yết bắt buộc gồm FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược HAI), AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) và GAB (Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC). Trong thông báo về việc hủy niêm yết các cổ phiếu này, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho rằng, “tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở Giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”.