Như vậy đã có 14 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm: VCB, ACB, MB, TCB, VPB, HDB, TPB, SeABank, MSB, Ngân hàng Bản Việt, OCB, VIB, VietBank, Shinhan Bank.
Theo đó, Vietbank áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày 01/12/2019.
Vietbank chịu trách nhiệm: (i) Thực hiện chuyển hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng đối với hệ thống tính CAR trong tháng 12/2019 theo kế hoạch tại Tờ trình số 106/2019/TT-CNTT ngày 08/10/2019 của Vietbank; (ii) Điều chỉnh việc xác định cam kết cấp tín dụng có điều kiện phù hợp với quy định tại Thông tư 41 theo kế hoạch tại Báo cáo số 70/2019/BC-KTNB ngày 07/10/2019 của Kiểm toán nội bộ Vietbank; (iii) Tuân thủ quy định Thông tư 41 và thực hiện chế độ báo cáo thống kê về tỷ lệ an toàn vốn đối với Thông tư 41 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian từ ngày 01/12/2019 đến hết ngày 31/12/2019, Vietbank đồng thời thực hiện chế độ báo cáo về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (được sửa đổi, bổ sung).
Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, ngày 01/01/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Tuy nhiên, trong số 10 ngân hàng được thí điểm vẫn còn nhà băng đang chạy đua với thời gian trước năm 2020.