Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 đứng trong Top 10 doanh nghiệp viễn thông trên thế giới về đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên\Báo Đấu thầu |
Hiện nay, theo quy định tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, thu nhập chịu thuế bao gồm cả cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam. Cùng với đó, trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (thành lập hay không thành lập pháp nhân tại nước ngoài) khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam đối với thu nhập từ dự án đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam được trừ số thuế thu nhập đã nộp tại nước ngoài nhưng không vượt quá số thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Việt Nam. Nguyên tắc cho phép khấu trừ thuế đối với thu nhập đã nộp của doanh nghiệp tại nước ngoài đã được áp dụng trong nhiều năm. Căn cứ quy định này, các doanh nghiệp có thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài đã thực hiện khấu trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tùy theo mỗi Hiệp định đã ký kết mà Việt Nam có thể sẽ thực hiện một biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp tránh đánh thuế hai lần: Khấu trừ trực tiếp, khấu trừ gián tiếp, khấu trừ số thuế khoán. Với những nước đã ký Hiệp định với Việt Nam không có quy định về khấu trừ thuế gián tiếp thì chỉ được khấu trừ khoản thuế đánh trên lãi cổ phần, không được khấu trừ thuế đánh trên thu nhập của pháp nhân tại nước ngoài. Theo nguyên tắc áp dụng Hiệp định thuế thì Hiệp định sẽ không tạo ra nghĩa vụ thuế mới, khác hoặc nặng hơn so với nội luật.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, trên thực tế có nhiều Hiệp định có quy định nghĩa vụ cao hơn nhưng do nội luật không có quy định hoặc áp dụng mức thuế suất thấp hơn thì vẫn áp dụng theo quy định của nội luật. Đơn cử như tại nội luật Việt Nam không đánh thuế đối với tiền lãi cổ phần (cổ tức), trong khi đó hầu hết các Hiệp định đều có quy định áp dụng thuế đối với cổ tức là 5%, 10% hoặc 15%. Do đó Việt Nam không thể đánh thuế theo quy định của Hiệp định. Vì vậy, đối với trường hợp một số Hiệp định thuế giữa Việt Nam và các nước không có quy định về khấu trừ thuế gián tiếp mà chỉ quy định khấu trừ thuế trực tiếp nhưng doanh nghiệp vẫn được thực hiện theo quy định của nội luật (khấu trừ cả số thuế Thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài đối với thu nhập từ lãi cổ phần và thuế Thu nhập doanh nghiệp mà pháp nhân nước ngoài đã nộp tại nước ngoài).
Với các quy định nêu trên thì trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các nước chưa ký Hiệp định thuế với Việt Nam khi tính thuế tại Việt Nam vẫn được khấu trừ thuế như đầu tư vào các nước đã ký Hiệp định thuế với Việt Nam. Cơ quan Thuế nhận định, quy định này sẽ làm giảm số thuế thu được đối với thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài và có thể dẫn đến việc không khuyến khích, thúc đẩy việc đàm phán ký kết Hiệp định thuế.
Để khắc phục những bất cập trên, tại Tờ trình đề xuất xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề nghị bổ sung nguyên tắc khai thuế và tính thuế như sau: “Người nộp thuế có lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài thực hiện chuyển lợi nhuận về nước theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài. Người nộp thuế không được khấu trừ số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp ở Việt Nam đối với thu nhập nhận được từ đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp người nộp thuế đầu tư vào các nước đã ký đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định”.
Theo Bộ Tài chính, việc này sẽ giúp đồng bộ với việc chuyển lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước đối với thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài. Mặt khác sẽ khuyến khích thúc đẩy việc ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và các nước để được hưởng quy định về khấu trừ thuế đề xuất bỏ quy định được khấu trừ số thuế đã nộp tại nước ngoài khi xác định nghĩa vụ thuế Thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các nước đã ký đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định.