Đầu tư
Thêm thương vụ đón dòng vốn từ Nhật Bản
Thùy Nhi - 08/08/2013 07:40
Ngày 9/8/2013, Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh Searefico (SRF) sẽ chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Taisei Oncho (TOC) của Nhật Bản. Đây là một tín hiệu tích cực trong thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản vào lĩnh vực cơ điện lạnh nói riêng và sản xuất công nghiệp nói chung.

Theo thông tin Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn có được trước thời điểm ký kết, SRF sẽ chuyển nhượng 1.338.000 cổ phiếu, tương ứng 16,45% cổ phần và sắp xếp để TOC mua 3,55% cổ phần từ các cổ đông lớn, nâng cổ phần sở hữu của TOC tại SRF lên 20%.

Searefico là nhà thầu đứng đầu tại Việt Nam về cơ điện công trình.
(Ảnh: Lê Toàn)

Đây là khoản chuyển nhượng cổ phần lớn nhất của SRF và TOC là đối tác chiến lược nước ngoài lớn nhất của SRF cho đến thời điểm này.

Mặc dù không tiết lộ giá bán cụ thể, nhưng nguồn tin từ Searefico cho biết, giá bán cao hơn giá giao dịch trên thị trường hiện tại của SRF và không thấp hơn mức 40.000 đồng/cổ phiếu.

Đổi lại, TOC sẽ hỗ trợ SRF như một đối tác chiến lược để mở rộng lĩnh vực kinh doanh của SRF ra nước ngoài, như Campuchia, Lào, Myanmar và Ấn Độ. Bên cạnh đó, TOC sẽ tích cực hỗ trợ kỹ thuật và tiếp thị để SRF tiếp cận các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam, tối đa hóa cơ hội thắng thầu cho các gói M&E (cơ điện công trình) cũng như các dự án chìa khoá trao tay.

Ông Lê Tấn Phước, Tổng giám đốc Searefico cho biết: “Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sẽ mở ra thêm nhiều hình thức hợp tác hiệu quả giữa hai bên.

TOC sẽ đào tạo kỹ thuật và giúp SRF và nâng cao năng lực quản lý dự án theo chuẩn mực quốc tế. Thông qua các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, trình độ kỹ thuật, kỹ năng quản lý và tính kỷ luật của đội ngũ công nhân, kỹ sư của SRF sẽ từng bước được nâng cao. Sự tham gia của TOC còn giúp tăng thêm thuận lợi để SRF có thể thắng thầu các dự án trị giá hàng trăm triệu USD do công ty Nhật Bản đầu tư”.

Theo ông Phước, đây là một thị trường rất lớn, nhưng lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận bởi tính liên kết chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Phước cho biết, ngay trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, TOC đã xúc tiến gặp gỡ, kết nối và giới thiệu SRF với các nhà thầu chính Nhật Bản có dự án tại Việt Nam, cũng như hàng loạt tên tuổi lớn, các nhà đầu tư Nhật tại các khu công nghiệp trên toàn quốc.

Ông Kenichi Mizutani, Giám đốc Phát triển kinh doanh của TOC cho rằng, việc kết hợp với một đối tác tương đồng và đáng tin cậy như SRF sẽ mở rộng cơ hội trên thị trường châu Á, đồng thời đây cũng là cách đầu tư nhanh chóng và hiệu quả hiện nay. Việc TOC tham gia các hoạt động hỗ trợ SRF cũng giúp TOC được hưởng lợi trực tiếp từ cổ tức và giá trị tăng thêm của cổ phiếu SRF. Mặt khác, TOC vẫn còn nguyên các cơ hội tham gia trực tiếp các dự án lớn tại Việt Nam. Với các dự án ngoài khả năng của SRF, thì TOC sẽ đấu thầu trực tiếp và SRF sẽ là nhà thầu phụ cung ứng nhân lực và vật tư khai thác trong nước.

“Việc tìm kiếm một công ty phù hợp với phương thức đầu tư chiến lược của TOC là rất quan trọng. Theo dõi quá trình kinh doanh, thành công và vị trí dẫn đầu thị trường, Searefico hoàn toàn phù hợp với chiến lược đầu tư của chúng tôi", ông Mizutani nói.

Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất. Gần đây đã có một sự chuyển động rất mạnh mẽ của dòng chảy đầu tư từ Nhật Bản vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và các nước ASEAN liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc đầu tư mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm tỷ lệ 53% giá trị M&A của các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu loại trừ thương vụ thuần nước ngoài thì các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và ASEAN chiếm tới 85% giá trị M&A đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh các thương vụ “khủng” trong lĩnh vực ngân hàng (Bank of Tokyo-Mitsubishi UJF đầu tư vào VietinBank) và bảo hiểm (Sumitomo Life Insurance đầu tư vào Tập đoàn Bảo Việt), nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã và đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam ở những thị trường ngách chuyên sản xuất, kinh doanh một nhóm sản phẩm nhất định và các ngành phụ trợ.

Tin liên quan
Tin khác