Ngân hàng - Bảo hiểm
Thêm tuần xô đổ kỷ lục, vàng tiến gần mốc 101 triệu đồng/lượng
Thanh Thuỷ - 29/03/2025 13:05
Giá vàng tiếp tục đi lên, xác lập các kỷ lục mới. Trong khi đó, đồng USD giảm khá mạnh trong phiên thứ Sáu sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần vào giữa tuần.

Trong tuần giao dịch từ 24/3 – 30/3, thị trường vàng tiếp tục đi lên, xác lập các kỷ lục mới. Giá vàng trong nước ghi nhận mức tăng mạnh mẽ, theo đà đi lên của thị trường vàng quốc tế. Giá vàng miếng SJC bán ra ngày 29/3 đạt 100,7 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng chỉ trong một ngày và tăng 3,3 triệu đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước (22/3). Ở chiều mua vào, giá vàng cũng lên tới 98,4 triệu đồng/lượng, tăng 4 triệu đồng/lượng trong vòng một tuần.

So với phiên liền trước (28/3), giá vàng SJC tăng thêm 200.000 đồng/lượng mỗi chiều. Chênh lệch giá mua – bán hiện ở mức 2,3 triệu đồng/lượng, nới rộng thêm so với cuối tuần trước, phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong bối cảnh thị trường biến động mạnh.

Vàng nhẫn cũng tăng "nóng". Hiện Bảo tín Minh Châu là hãng vàng niêm yết giá vàng nhẫn cao nhất khi bán ra tại 100,9 triệu đồng/lượng, đồng thời niêm yết giá thu mua tại 98,9 triệu đồng/lượng. 

Diễn biến giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tại Bảo tín Minh Châu tuần qua - Nguồn: BTMC

Sức nóng của vàng trong nước chung nhịp với diễn biến toàn cầu. Tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải – trung tâm giao dịch vàng vật chất lớn nhất châu Á, giá vàng chốt tuần ở mức 721 nhân dân tệ/gram, mức cao nhất trong lịch sử giao dịch trên sàn này. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tiến gần mốc 3.090 USD/ounce, lập kỷ lục mới trong phiên 29/3 trước khi điều chỉnh nhẹ về 3.084 USD/ounce khi khép lại tuần qua. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 đang ở mức 3.118 USD/ounce, cũng là mức cao nhất trong lịch sử.

Động lực tăng của vàng đến từ lo ngại chiến tranh thương mại leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị thực hiện thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, cùng với rủi ro địa chính trị gia tăng. Cùng đó, theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố thứ Sáu (28/3), chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 2 tăng 0,4% theo tháng, đánh dấu mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 1/2024. So với cùng kỳ năm trước, PCE tăng 2,8%. Con số lạm phát công bố cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự đoán của các nhà kinh tế trước đó.

PCE là thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng để đo lường chi phí hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Trước đó, tại cuộc họp vào tháng 3, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất, đồng thời, các quan chức Fed nghiêng nhiều về khả năng sẽ hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Trong khi vàng liên tục đi lên, đồng USD lại có nhịp giảm tới 0,4% trong phiên thứ Sáu. Chỉ số US Dollar Index (DXY) không biến động đáng kể so với thời điểm cuối tuần trước dù tăng khá mạnh trong tuần. Tỷ giá USD/VND tuần qua cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.843 VND/USD, giảm phiên thứ hai liên tiếp nhưng vẫn cao hơn 30 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-5%, trần tỷ giá hiện ở mức 26.085 VND/USD. Tại ngân hàng Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết ở mức 25.400 VND/USD (mua vào chuyển khoản) và 25.760 VND/USD (bán ra), không đổi so với cuối tuần trước. Tuy vậy, trong tuần, có thời điểm tỷ giá bán ra vọt lên 25.830 VND/USD.

Diễn biến chỉ số DXY trong một tháng trở lại đây

Tuần tới, giới đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm đến báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ. Theo dự báo của các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 128.000 việc làm, thấp hơn so với 151.000 việc làm trong tháng 2; tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 4,2%, còn tiền lương được kỳ vọng giữ nguyên ở mức tăng 0,3%. Số liệu này đáng chú ý hơn trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng chậm lại do các biện pháp thuế quan mới.

Cùng đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 3. Tại cuộc họp này, ECB đã quyết định giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. Lạm phát tại khu vực Eurozone, Đức và Ý cũng sẽ được công bố, với dự báo lạm phát toàn khối giảm về 2,2% và lạm phát lõi về 2,5%. Dữ liệu đơn hàng nhà máy, doanh số bán lẻ, PMI, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia (Đức, Ý, Tây Ban Nha…) cũng sẽ là tâm điểm theo dõi.

Tin liên quan
Tin khác