Ngân hàng
Theo dõi chặt chẽ động thái phá giá đồng nhân dân tệ
Kỳ Thành - 15/08/2015 09:06
Động thái phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ trong 3 ngày liên tiếp vừa qua (giảm giá tổng cộng 4,6%) của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được đánh giá sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
TS. Lê Đăng Doanh

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ động thái này.

Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc phá giá kỷ lục đồng nội tệ trong 3 ngày liên tiếp vừa qua?

Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá cho thấy, lãnh đạo nước này đã có cách ứng xử nhanh nhạy hơn. Trung Quốc là đất nước sống bằng xuất khẩu, mà kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2015 đã giảm đến 8,3%, do đó, nếu không điều chỉnh tỷ giá thì họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Việc có động thái nhanh nhạy thế này là tín hiệu cho thấy, họ sẽ có thay đổi về chính sách và chúng ta cần theo dõi một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang muốn gia nhập giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nên muốn chứng minh nền kinh tế của mình hoạt động theo cơ chế thị trường.

Theo tôi, không nên nhìn việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá như một hành động riêng biệt, mà phải nhìn trong một chuỗi hoạt động của Trung Quốc. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi xem họ có động thái gì nữa.

Vậy việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến kinh tế thế giới và Việt Nam, thưa ông?

Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động nhiều mặt đến nền kinh tế thế giới. Có thể thấy, thị trường chứng khoán Mỹ vừa rồi đã phản ứng ngay lập tức trước việc phá giá đồng nội tệ của nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ hai thế giới này.

Thứ nhất, việc phá giá đồng nội tệ giúp hàng hóa của Trung Quốc đã rẻ nay còn rẻ hơn nữa, nên nước này có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc thấy xuất khẩu của họ đang giảm, nên có chỗ nào “tống hàng” đi được là họ làm.

Thứ hai, việc này làm thay đổi vị thế của đồng nhân dân tệ.

Đối với kinh tế Việt Nam, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ rất nặng nề và không đơn giản, bởi Việt Nam đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nhập siêu của Việt Nam với thị trường này đang rất lớn.

Nhiều chuyên gia đã nhận định và quan ngại về việc Trung Quốc sẽ “xuất khẩu” khủng hoảng kinh tế ra thế giới. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Các nền kinh tế trên thế giới đã bắt đầu sợ điều đó và rất sợ khủng hoảng sẽ lan truyền. Nhiều nước đã bị tác động, như Australia gặp khó trong xuất khẩu quặng, than bởi nhu cầu của Trung Quốc giảm rõ rệt. Ngoài ra, giá dầu thời gian qua cũng giảm do nhu cầu của Trung Quốc giảm rõ rệt.

Chúng ta đã thấy, thời gian qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do nhiều vấn đề và tác động nhiều mặt đối với kinh tế Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh tỷ giá thúc đẩy xuất khẩu, ổn định nền kinh tế, thì thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ tốt lên.

Ông có bình luận gì về động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 1,9%?

Tôi rất hoan nghênh việc điều chỉnh biên độ đối với nhân dân tệ và USD của Ngân hàng Nhà nước. Đó là một phản ứng hết sức nhanh nhạy và kịp thời. Cách điều chỉnh biên độ như vậy cũng là cách để điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, không vi phạm cam kết trước đây của Ngân hàng Nhà nước là điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm 2015.

Việc nới biên độ tỷ giá của Việt Nam sẽ tác động tích cực, hỗ trợ xuất khẩu nông sản, còn đối với xuất khẩu các mặt hàng lắp ráp như điện sẽ không tác động nhiều.

Theo ông, Chính phủ cần làm những gì để ứng phó với chính sách phá giá nội tệ của Trung Quốc?

Bây giờ Việt Nam phải đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Theo đó, phải giảm chi phí ngoài pháp luật thì doanh nghiệp Việt Nam mới có thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó, trong tình hình hiện nay, nếu không thay đổi chính sách biên mậu, không kiểm soát nguồn nhập lậu qua biên giới, thì hết sức nguy hiểm. Tất cả bộ máy phải nhận thức đầy đủ thách thức này để thay đổi, nếu không sẽ gay go.

Về mặt lý thuyết, việc nới lỏng biên độ tỷ giá sẽ hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng vấn đề là, cơ hội có được thực hiện hay không thì còn phải tính thêm.

Tin liên quan
Tin khác