Ngày 16/10, Công ty Thép Pomina thông qua chào bán riêng lẻ đợt 1 với khối lượng 10.604.038 cổ phiếu POM với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 106,04 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong quý IV/2023 (kế hoạch ban đầu tháng 8/2023). Trong đó, số tiền huy động, Công ty Thép Pomina dự kiến dùng toàn bộ 106,04 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng Vietinbank, thời gian trả nợ trong quý IV/2023.
Công ty Thép Pomina cho biết thêm, đối tượng chào bán là CTCP Nansei Steel (Nhật Bản) và nếu thực hiện mua thành công, đối tác này sẽ nâng sở hữu từ 0%, lên 3,65% vốn điều lệ tại Công ty Thép Pomina.
Thực tế so với giá đóng cửa ngày 16/10 là 5.200 đồng/cổ phiếu, giá mà Công ty Thép Pomina chào bán cho đối tác CTCP Nansei Steel đang cao hơn 92,3% so với giá thị trường.
Được biết, Công ty Thép Pomina đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 70.175.343 cổ phiếu cho Công ty Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 701,75 tỷ đồng, thời gian dự kiến từ quý III/2023 đến hết năm 2024. Trong đó, đợt phát hành riêng lẻ được chia làm hai đợt, đợt 1 sẽ phát hành 10.604.038 cổ phiếu; và đợt 2 dự kiến phát hành thêm 59.571.305 cổ phiếu.
Số tiền huy động dự kiến 701,75 tỷ đồng, Công ty dự kiến sử dụng 400 tỷ đồng thanh toán nợ vay ngân hàng VietinBank, thời gian sử dụng vốn từ quý IV/2023 đến năm 2024; 100 tỷ đồng thanh toán nợ vay ngân hàng BIDV, thời gian sử dụng vốn từ quý IV/2023 đến năm 2024; và còn lại 201,75 tỷ đồng dùng bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh và dự kiến sử dụng từ quý IV/2023 đến năm 2024.
Nếu hoàn thành hai đợt chào bán, Công ty Nansei Steel sẽ trở thành cổ đông lớn sở hữu 20,04% vốn điều lệ tại Pomina.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina
Sau nhiều lần trì hoãn nộp Báo cáo tài chính bán niên và bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát từ ngày 10/10, tới ngày 13/10, Công ty Thép Pomina mới công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Kiểm toán nhấn mạnh, trong nửa đầu năm 2023, Công ty Thép Pomina phát sinh lỗ 504,89 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế tới 30/6/2023 lên 758,1 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng tại thời điểm 30/6/2023, Công ty Thép Pomina đang ghi nhận nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 4.376,96 tỷ đồng, đồng thời Công ty Thép Pomina có một số khoản nợ vay đã quá hạn với số tiền 2.200,1 tỷ đồng, một số khoản phải trả người bán ngắn hạn đã quá hạn thanh toán 922,2 tỷ đồng.
“Các điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Thép Pomina”, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh.
Kinh doanh dưới giá vốn trong nửa đầu năm 2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, Công ty Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.192,39 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 504,36 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 22,97 tỷ đồng, tức giảm 481,39 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong đó, đáng chú ý, Công ty Thép Pomina kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 32,21 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 348,43 tỷ đồng, tức giảm 380,64 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, Công ty Thép Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỷ đồng. Như vậy, với mức lỗ kỷ lục hơn 504 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, mức lỗ này đã vượt qua nhiều so với kế hoạch chỉ lỗ 150 tỷ đồng.
Với việc lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ luỹ kế của Công ty Thép Pomina lên tới 758,1 tỷ đồng, bằng 27,1% vốn điều lệ.
Điểm đáng lưu ý, đầu năm trong Báo cáo thường niên đầu năm 2023, Thép Pomina đưa ra kế hoạch năm 2023 với doanh thu 14.000 tỷ đồng, tăng 7,55% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 300 tỷ đồng với việc ghi nhận lỗ 1.079,9 tỷ đồng trong năm 2022.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm hoạt động trong niên độ tài chính 2023, ngày 14/7/2023, Pomina bất ngờ điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 14.000 tỷ đồng về 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận từ lãi 300 tỷ đồng sang lỗ 150 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT chia sẻ việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để thể hiện sự thận trọng của Hội đồng quản trị trong bối cảnh thị trường thực tế còn khó khăn. Tuy nhiên, yếu tố chính thôi thúc Công ty điều chỉnh kế hoạch là niềm tin ngành bất động sản sẽ chưa tốt lên trong năm nay.
“Từ giờ đến cuối năm, bất động sản có thể vẫn bất động, dù Chính phủ đã cố gắng dùng mọi biện pháp, như giải quyết thủ tục cho từng công trình một, giảm lãi suất và giãn nợ cho các công ty bất động sản. Chính phủ đã cố gắng hết sức, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian. Các chuyên gia cho rằng, năm sau bất động sản sẽ ấm trở lại, nhưng với tôi phải đến tháng 6/2024 thì mới bắt đầu tốt trở lại”, ông Đỗ Duy Thái nhấn mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10, cổ phiếu POM giảm 200 đồng về 5.200 đồng/cổ phiếu.