Sức khỏe doanh nghiệp
Thép Pomina tiếp tục lỗi hẹn kế hoạch tái cấu trúc
Duy Bắc - 03/02/2024 22:17
Công ty cổ phần Thép Pomina (mã POM) vừa bất ngờ thông báo tạm dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho Nansei Steel, nhưng tiếp tục mở ra kỳ vọng khi đã tìm được cổ đông mới.

Sau khi kinh doanh lao dốc trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Thép Pomina phát đi tín hiệu tái cấu trúc khi có thể sớm huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Theo kế hoạch, ngày 14/7/2023, Công ty thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 70.175.343 cổ phiếu cho Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 701,75 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ trên được chia làm hai đợt, đợt 1 phát hành 10.604.038 cổ phiếu trong tháng 8/2023 và đợt 2 phát hành thêm 59.571.305 cổ phiếu trong tháng 9/2024. Nếu hoàn thành 2 đợt chào bán, Nansei Steel sẽ trở thành cổ đông lớn sở hữu 20,04% vốn điều lệ tại Thép Pomina.

Tuy nhiên, tháng 9/2023, Thép Pomina đã xin ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án chào bán riêng lẻ 70.175.343 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nansei Steel, thời gian dự kiến từ tháng 8/2023 đến hết năm 2024, với số lượng chào bán từng đợt theo sự thỏa thuận giữa hai bên. Bất ngờ, tới cuối tháng 1/2024, Công ty thông báo tạm dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho Nansei Steel, lý do không được tiết lộ.

Thực tế, giới đầu tư đã hoài nghi về khả năng huy động vốn của Thép Pomina khi Công ty đang gặp nhiều vấn đề tài chính, đồng thời giá cổ phiếu giao dịch thấp hơn nhiều so với giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, năm 2023, với việc tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, Thép Pomina lỗ thêm 959,7 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.166,9 tỷ đồng), nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2023 lên tới 1.270,96 tỷ đồng, bằng 45,4% vốn điều lệ.

Cũng tại thời điểm 31/12/2023, tổng nợ ngắn hạn của Thép Pomina là 7.963,6 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 3.099,3 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 4.864,3 tỷ đồng, hay hiểu một cách đơn giản là 4.864,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm đang được sử dụng để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn lớn hơn 1 năm. Công ty có thể gặp rủi ro về kỳ hạn nếu tiếp tục mô hình sử dụng vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn như hiện nay - điều mà hầu hết các công ty niêm yết đều tránh.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, khi nhu cầu thép giảm mạnh, Thép Pomina đã ngưng hoạt động Nhà máy Thép Pomina 3. Năm 2023, Công ty lên kế hoạch tái khởi động nhà máy này khi có nguồn vốn bổ sung từ việc phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, Công ty chưa thể thực hiện được kế hoạch, tiếp tục rời sang đầu quý II/2024.

Việc tạm dừng Nhà máy Thép Pomina 3 trong khi vẫn còn dư nợ vay tài trợ cho dự án dẫn tới áp lực chi phí. Thép Pomina cho biết, Công ty tiếp tục thua lỗ trong quý IV/2023 một phần do Nhà máy Thép Pomina 3 vẫn ngưng hoạt động, nhưng phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay.

Khi Thép Pomina thông báo kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu POM đã bật tăng từ đáy 4.560 đồng/cổ phiếu (ngày 9/5/2023) lên giá cao nhất 8.450 đồng/cổ phiếu (ngày 18/7/2023). Nhưng sau đó, giá cổ phiếu liên tục suy giảm, tính tới ngày 30/1/2024 chỉ còn giao dịch vùng 5.360 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 46,4% so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh vấn đề sức khoẻ tài chính và triển vọng kinh doanh, Thép Pomina còn liên tục ghi nhận tình trạng lãnh đạo, người thân lãnh đạo đồng loạt bán ra cổ phiếu để giảm sở hữu. Trong đó, tại Báo cáo quản trị năm 2023, Công ty cho biết, 6 người thân của Chủ tịch Nguyễn Duy Thái đã bán ra tổng cộng 29.099.714 cổ phiếu POM, tương ứng 10,4% vốn điều lệ trong năm 2023.

Sang đầu năm 2024, hàng loạt người thân của Chủ tịch HĐQT, cũng như các thành viên HĐQT Thép Pomina tiếp tục đăng ký bán ra thêm cổ phiếu POM. Thực tế này càng dẫn tới lo ngại có sự tháo chạy của cổ đông nội bộ tại Thép Pomina bất chấp cổ phiếu vẫn đang giao dịch thấp hơn nhiều so với mệnh giá.

Tin liên quan
Tin khác