Trong quý III/2022, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 1.159,28 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,8 tỷ đồng, giảm 93,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,7% về chỉ còn 4,9%.
Được biết, biên lợi nhuận gộp năm 2020 là 6,48% và năm 2021 là 14,58%. Như vậy, biên lợi nhuận gộp của Thép Tiến Lên thấp nhất từ năm 2020 tới nay.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 64,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 104,46 tỷ đồng về 56,73 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 71,6%, tương ứng tăng thêm 13,07 tỷ đồng lên 31,32 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết giảm 66,9%, tương ứng giảm 3,53 tỷ đồng về 1,75 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 15%, tương ứng giảm 3,83 tỷ đồng về 21,74 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lao dốc tới 93,6%, nguyên nhân chủ yếu do giá vốn tăng cao hơn doanh thu dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh và tăng chi phí tài chính đột biến.
Cơ cấu chi phí tài chính trong quý III (Nguồn: BCTC). |
Công ty cho biết giá chi phí tài chính tăng chủ yếu do ghi nhận lãi tiền vay 25,4 tỷ đồng, tăng 9,8 tỷ đồng so với đầu năm; lỗ kinh doanh chứng khoán ghi nhận 8,58 tỷ đồng, tăng 6,03 tỷ đồng so với đầu năm …
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 3.662,7 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 121,78 tỷ đồng, giảm 71,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 40,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục từ năm 2007 tới nay
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 551,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 196,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 146 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 451,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt trong 9 tháng đầu năm.
Được biết, từ năm 2007 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm vượt quá 551,8 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2021 khi công ty ghi nhận âm 428,06 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã trải qua gần 2 năm dòng tiền âm kỷ lục.
Tạm lỗ 44% tổng danh mục đầu tư chứng khoán
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Thép Tiến Lên tăng 11,7% so với đầu năm lên 4.685,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 3.386,5 tỷ đồng, chiếm 72,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 380,9 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 244,4 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Cơ cấu tồn kho tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC). |
Trong kỳ, Công ty đã tăng tồn kho 20,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 579,1 tỷ đồng lên 3.386,5 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho chủ yếu 2.578,3 tỷ đồng hàng hóa; 722,96 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; 85,2 tỷ đồng thành phẩm … Như vậy, Trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã tăng tích trữ hàng hóa, thành phẩm, nguyên liệu, vật liệu.
Được biết, giá thép liên tục giảm từ đầu năm tới nay nhưng Thép Tiến Lên lại liên tục tăng tích trữ tồn kho so với đầu năm. Mặc dù tăng tích trữ tồn kho trong xu hướng giảm nhưng tính tới 30/9/2022, Công ty không ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá tồn kho.
Với việc tích trữ tồn kho có thể là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục trong 9 tháng đầu năm 2022.
Một điểm đáng chú ý khác, mặc dù thị trường chứng khoán liên tục bị bán tháo nhưng Thép Tiến Lên liên tục đổ thêm vốn vào thị trường. Tính tới 30/9/2022, tổng danh mục đầu tư chứng khoán là 138,2 tỷ đồng, tăng thêm 30,7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, Công ty đang trích lập dự phòng 60,8 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 44% tổng danh mục đầu tư chứng khoán.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của TLH tính tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh danh mục đầu tư cổ phiếu không thay đổi so với đầu năm về các khoản đầu tư lớn vẫn là nắm giữ cổ phiếu SHB, VIX, IJC và các cổ phiếu khác. Trong đó, Công ty đầu tư 23,5 tỷ đồng cổ phiếu SHB, trích lập dự phòng 11 tỷ đồng; đầu tư 21,2 tỷ đồng cổ phiếu VIX, trích lập 11,98 tỷ đồng và tăng đầu tư thêm 14,1 tỷ đồng so với đầu năm; đầu tư 18,2 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 8,5 tỷ đồng, tức tăng đầu tư thêm 3,6 tỷ đồng so với đầu năm; và đầu tư 75,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 29,3 tỷ đồng và tăng đầu tư thêm 12,8 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác trong 9 tháng đầu năm.
Như vậy, Thép Tiến Lên tiếp tục “gồng lỗ” cổ phiếu SHB, VIX, IJC và các cổ phiếu khác. Ngoài ra, Công ty còn tăng thêm tiền bắt đáy cổ phiếu so với đầu năm.
Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 31,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 463,8 tỷ đồng lên 1.942 tỷ đồng và chiếm 41,4% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu TLH tiếp tục giảm sàn phiên thứ hai liên tiếp, tức giảm 510 đồng về 6.840 đồng/cổ phiếu.