Giới hạn số lượng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, ngày 1/6/2018, Cục có Văn bản số 1221 cho phép 6 doanh nghiệp được phép thí điểm triển khai đưa thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản.
Ông Liêm khẳng định, 6 doanh nghiệp được lựa chọn đáp ứng tiêu chí về kinh nghiệm, có cơ sở đào tạo tốt; đồng thời đều đã có thỏa thuận với đối tác Nhật về chi phí đào tạo, được đối tác hỗ trợ toàn bộ học phí đào tạo trình độ tiếng Nhật N4 và đảm bảo phí quản lý trả cho đối tác Việt Nam.
. |
Ngay sau khi danh sách được công bố, một số doanh nghiệp cho rằng, việc giới hạn này là không hợp lý và Bộ cần công khai các tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp nộp hồ sơ công khai, minh bạch.
Giải đáp về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, hiện chưa có tiêu chuẩn cụ thể, do Việt Nam và Nhật Bản vẫn đang đàm phán để sớm đưa ra các tiêu chí.
“6 doanh nghiệp này được lựa chọn dựa trên kết quả xếp hạng và việc tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp thời gian qua. Đến khoảng tháng 8 năm nay, sau khi có tiêu chí cụ thể, doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được tham gia chương trình này”, ông Diệp nói.
Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước giải thích thêm, do mới thực hiện thí điểm nên chưa thể mở rộng số lượng. Hơn nữa, trước khi chọn doanh nghiệp, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đã có cuộc họp với Hiệp hội Xuất khẩu Lao động và các doanh nghiệp để trao đổi về các tiêu chí lựa chọn.
“Những doanh nghiệp thí điểm phải được lựa chọn kỹ, do Ủy ban Chính sách của Thượng viện Nhật Bản đưa ra yêu cầu những tổ chức của Nhật phải đáp ứng một số yêu cầu cụ thể mới được tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý”, ông Liêm giải thích.
Cũng cần nói thêm, từ khi Luật Thực tập sinh của Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 11/2017, ngay cả với các doanh nghiệp Việt Nam đưa thực tập sinh thông thường, phía Nhật Bản cũng yêu cầu, ngoài giấy phép xuất khẩu lao động sang thị trường này, cơ quan quản lý phía Việt Nam phải rà soát và gửi danh sách doanh nghiệp đề cử. Đây là lý do hiện có hơn 300 doanh nghiệp xin cấp phép xuất khẩu lao động sang Nhật, nhưng chỉ có hơn 200 doanh nghiệp được phê duyệt.
Thị trường chưa thực sự hấp dẫn
Mặc dù có kế hoạch đưa lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật, nhưng đại diện một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu lao động cũng khẳng định, lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn.
“Chúng tôi muốn thực tập sinh trải qua bước đệm làm việc tại Nhật để có thể quay về nước phát triển công việc. Nhưng thực tập sinh ngành hộ lý, điều dưỡng tại Nhật chỉ chủ yếu phục vụ người già, người bệnh, trong khi ở Việt Nam, các trại dưỡng lão chưa thực sự phát triển”, vị đại diện này nói.
Đến nay, Việt Nam đã có 5 khóa đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản với hơn 800 người đã được xuất cảnh. Các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, số người thi lấy chứng chỉ quốc gia trong lĩnh vực điều dưỡng đều đạt trên 80 - 90%.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lưu ý, Nhật Bản quy định, trước khi xuất cảnh sang Nhật, thực tập sinh phải có trình độ tiếng Nhật N4, sau một năm làm việc phải có trình độ N3. Vì vậy, nhiều thực tập sinh điều dưỡng và hộ lý có có thể bị chấm dứt hợp đồng, thậm chí bị trả về nếu không đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, do đây là ngành phía Nhật Bản đang thiếu nhân lực, nên thực tập sinh Việt Nam đã được phép chỉ cần tham gia kỳ thi đánh giá để có trình độ tiếng Nhật tương đương N3 và có thể tham gia 400 tiết học để thi kỹ năng tại địa phương.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để tạo điều kiện hấp dẫn lao động ngành điều dưỡng, hộ lý, một trong những nội dung chính đang được Việt Nam đặt lên bàn đàm phán với Nhật Bản là tiền lương cho thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam phải bằng, hoặc cao hơn so với người bản xứ làm cùng công việc và yêu cầu về tiếng Nhật đối với điều dưỡng viên, hộ lý có thể thấp hơn yêu cầu đối với thực tập sinh ngành khác.