Thí điểm nhượng quyền sân bay cho nhà đầu tư nội
Anh Minh - 08/04/2015 20:31
Việc thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư trong nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sắp mở đường bay Cần Thơ-Lâm Đồng
Các dự án chiến lược quốc gia đã thu hút nhà đầu tư nội
"Bán" sân bay: Thực hiện theo cơ chế nào?
Bầu Hiển lộ tham vọng mới

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu tại cuộc Hội thảo"Xã hội hoá hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 8/4.

Bộ GTVT sẽ cùng Bộ Tài chính định giá và sẽ công khai giá trị nhượng quyền sân bay sau khi công khai các vấn đề pháp lý, nếu có một nhà đầu tư thì sẽ xem xét còn nếu có 2 hay 3 nhà đầu tư trở lên thì sẽ tiến hành đấu thầu.

Cụ thể, hiện Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam lên phương án nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc được đưa vào khai thác cách đây 2 năm với tổng mức đầu tư lên tới 4.300 tỷ đồng.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, có hai phương án nhượng quyền đang được tính tới.

Theo đó, phương án 1 – nhượng quyền theo hình thức Hợp đồng kinh doanh – quản lý (O&M). Với phương án này, nhà đầu tư thành lập công ty cổ phần để kinh doanh toàn bộ sân bay hoặc nhà ga trong thời hạn tối đa là 70 năm, có thể có hoặc không có sự tham gia góp vốn của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam.

Phương án 2 – thành lập công ty cổ phần để thoái vốn. Với phương án này, ACV thành lập công ty cổ phần khai thác sân bay Phú Quốc hiện tại và tiến hành bán cổ phần với tỷ lệ từ 30% - 100% tùy thuộc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ GTVT, việc nhượng quyền khai thác hiện mới dừng ở chủ trương, cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đồng thuận cao của các bộ, ngành trước khi tiến hành thí điểm tại một sân bay cụ thể.

Giải đáp băn khoăn về việc định giá với các hạ tầng hàng không như nhà ga T1, sảnh E, sân bay Phú Quốc, ông  Tiêu cho biết việc định giá các cảng hàng không sẽ do Bộ Tài chính chủ trì. Bộ GTVT sẽ cùng Bộ Tài chính định giá và sẽ công khai sau khi công khai các vấn đề pháp lý, nếu có một nhà đầu tư thì sẽ xem xét còn nếu có 2 hay 3 nhà đầu tư trở lên thì sẽ tiến hành đấu thầu.

Liên quan tới nguy cơ độc quyền sau khi chuyển nhượng, ông Tiêu cho rằng bản chất ngành hàng không vẫn có tính chất độc quyền bởi không phải ai cũng được mang dịch vụ tới cung cấp vì liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn và "đây là ngành kinh doanh có điều kiện, dù chỉ là bát phở".

“Nguy cơ có độc quyền là hiện hữu vì bản thân đã có độc quyền nên việc chuyển sự quản lý từ chủ thể này sang chủ thể khác sẽ không thể tránh được nguy cơ độc quyền. Vì vậy, Bộ GTVT rất chú trọng bàn thảo cụ thể để xây dựng cơ sở pháp lý và các vấn đề liên quan tới điều này”, ông Tiêu cho biết.

Là một trong hai nhà đầu tư tham gia xin chuyển nhượng Nhà ga T1, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (cùng với VNA), ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air khẳng định nếu được giao quyền khai thác, Vietjet chắc chắn sẽ tạo ra nâng cao cả về diện mạo, chất lượng dịch vụ cung cấp cho các hãng hàng không và hành khách.

Đại diện Vietjet cho biết là trong phương án xin nhượng quyền khai thác Nhà ga T1, hãng cam kết hợp tác, liên minh liên kết với các đơn vị hoạt động trong ngành hàng không, nhất là các doanh nghiệp cảng hàng không, các hãng hàng không để cùng xây dựng và phát triển ngành Hàng Không Việt Nam hiện đại, hội nhập, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

“Thực tế trong thời gian vừa qua chúng tôi sử dụng nhiều dịch vụ của hãng hàng không quốc gia như  xăng dầu, mặt đất, suất ăn, dịch vụ kỹ thuật. Tuy có gặp một số vấn đề của cơ chế nhà nước nhưng chúng tôi không cho rằng đó là những điểm trọng yếu. Những quan ngại về độc quyền, cạnh tranh đề có thể giải quyết bằng các quy định, những chuẩn mực chặt chẽ mà Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng”, ông Tâm khẳng định.

Trả lời câu hỏi vì sao không tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất, bao gồm cả cổ phần hóa Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam, Vietjet cho biết là đã từng đề xuất được tham gia đối tác chiến lược khi doanh nghiệp mặt đất cổ phần hóa nhưng chỉ được tham gia với tỷ lệ rất hạn chế.

“Có công ty mặt đất ở TP HCM, chúng tôi xin tham gia đối tác chiến lược nhưng chỉ được mua có 4%. Cũng không được tham gia vào HĐQT, như thế thì ảnh hưởng và khả năng đóng góp vô cùng hạn chế. Trong khi đó, các hãng khác đều có dịch vụ mặt đất của riêng mình”, đại diện Vietjet phân trần.

Vietjet cho biết là hãng đã nhiều lần nộp đơn xin chuyển về nhà ga T1  thay vì sảnh E như hiện nay để được phục vụ hành khách tốt hơn và đã có đề xuất nhượng quyền nhà ga T1 lần 2.

Theo ông Lại Xuân Thanh, xã hội hóa hàng không không chỉ bao gồm việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không. Hiện tại Cục Hàng không Việt Nam đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án xây dựng mới hạ tầng có tính khả thi cao.

Bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không của Bộ Giao thông vận tải, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong một nền kinh tế mở, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, như với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải thực hiện những cam kết về mua sắm Chính phủ, thì không chỉ tư nhân trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

“Sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn sở hữu Nhà nước, lí do là sẽ hạn chế được những xung đột giữa nguồn lực - quyền lực - lợi ích. Tuy nhiên, tư nhân chỉ là điều kiện cần, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo cạnh tranh, điều này sẽ hạn chế và tránh độc quyền. Có cạnh tranh thì mới chọn”, ông Thành khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác