Sức khỏe doanh nghiệp
Thị phần “tuột dốc”, HSC báo lãi quý II giảm 44%, tự doanh chủ yếu nắm trái phiếu
Tùng Linh - 22/07/2023 09:09
HSC ghi nhận gần 281 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm, hoàn thành 39% kế hoạch cả năm.

CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC, Mã HCM - sàn HoSE) công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu hoạt động giảm mạnh gần 51% so với cùng kỳ năm trước và đạt 588 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm gần 60% xuống 307 tỷ đồng.

Ở mảng tự doanh, phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận sự sụt giảm đến hơn 63% và đạt 211 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lỗ FVTPL cũng giảm đến 86% và chỉ ở mức 58 tỷ đồng.

Nguyên nhân chínhlàm giảm nguồn thu của HSC đến từ mảng môi giới và cho vay ký quỹ (margin). Quý II vừa qua ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của công ty chứng khoán này trong bảng xếp hạng thị phần. HSC chính thức rời khỏi top 5 thị phần giao dịch cổ phiếu sàn HoSE, sau khi giảm thị phần nắm giữ từ 6,32% xuống 4,98%.

Doanh thu môi giới cùng giảm gần 41% xuống còn vần 140 tỷ đồng. Chi phí môi giới cũng giảm khá khi quy mô thu hẹp (30%), về còn 104 tỷ đồng. Lãi gộp từ mảng môi giới quý II chỉ đạt 36 tỷ đồng, giảm đến hơn 59%. Doanh thu từ cho vay và phải thu ở mức 231 tỷ đồng, giảm 29% dù dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý II đạt 8.875 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.

Ngoài ra, doanh thu tư vấn tài chính kỳ này chỉ vỏn vẹn 670 triệu đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận của HSC giảm mạnh trong nửa đầu năm - Đơn vị: Tỷ đồng.

HSC báo lãi sau thuế quý II/2023 ở mức 157 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm 2023, doanh thu hoạt động đạt 1.218 tỷ đồng giảm 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng giảm 50% so. Công ty đã thực hiện 44% kế hoạch doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm 2023.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của HSC ở mức 14.300 tỷ đồng, giảm 7% so với số đầu năm. Trị giá tài sản giảm chủ yếu do tiền và tương đương tiền giảm 46% và đạt 3.041 tỷ đồng, cùng với đó phải thu các dịch vụ CTCK cung cấp cũng giảm 74% và ở mức hơn 152 tỷ đồng.

Khoản FVTPL đang bao gồm 90,5 tỷ đồng cổ phiếu; 381,8 tỷ đồng cổ phiếu phòng ngừa rủi ro của chứng quyền; 1.263,1 tỷ đồng trái phiếu niêm yết; 128,3 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF.

Danh mục đầu tư của HSC tại thời điểm 30/6

Trong đó, chỉ riêng khoản đầu tư vào trái phiếu BIDB2129001 của BIDV đã là 1.200 tỷ đồng.  Chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục cổ phiếu (bao gồm cả cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) là 4 cổ phiếu ngân hàng: STB (189 tỷ đồng), MBB (73 tỷ đồng), VPB (47 tỷ đồng), TCB (24 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong kỳ này, HSC đã mua mạnh thêm chứng chỉ quỹ ETF, đặc biệt VFMDiamond ETF (thêm 55 tỷ đồng) trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại bán ròng loại chứng khoán này.

Khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại thời điểm 30/6 ở mức 1.628 tỷ đồng, giảm 26% so với đầu năm.

Tin liên quan
Tin khác