Ảnh minh họa |
Trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm, giao dịch tăng dần, giá cả các sản phẩm cũng tăng theo.
Đơn cử, tại dự án căn hộ Akari City (Võ Văn kiệt, Bình Tân) của Tập đoàn Nam Long đã tăng giá bán ở cả nguồn hàng sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, trong tháng 12/2021, khi giai đoạn I hoàn thiện, chủ đầu tư đã bàn giao 1.800 căn và lập tức thiết lập mặt bằng giá mới, từ 35-38 triệu đồng/m2, lên 40-43 triệu đồng/m2. Trong giai đoạn mở bán đợt 2 của dự án, mức giá dự kiến tiếp tục tăng khi mặt bằng giá chung của khu Tây TP.HCM đã chạm mức 45-50 triệu đồng/m2, riêng khu vực Bình Tân, Bình Chánh vào khoảng 55-58 triệu đồng/m2.
Một số dự án lân cận như Picity High Park (quận 12), do Tập đoàn Pi Group làm chủ đầu tư, giá mở bán đầu năm 2020 ở mức 38-40 triệu đồng/m2, hiện tại, chủ đầu tư chuẩn bị chào bán block 1 và 2 với giá dự kiến 46-57 triệu đồng/m2, tức tăng thêm 8-17 triệu đồng/m2.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, giá đất 2 năm qua ở nhiều nơi tăng gấp đôi, gấp ba, chi phí đầu vào cũng rất cao. Bên cạnh đó, tiền thuế sử dụng đất rất khó đóng, vì chưa tính, nên doanh nghiệp phải bán giá cao để “trừ hao” trong trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung. Bên cạnh đó, việc siết dòng tiền vào bất động sản khiến các doanh nghiệp càng gặp khó khăn.
“Tôi cho rằng, trong nửa cuối năm 2022, nguồn cung nhà ở vẫn hiếm, phải ít nhất 2 năm nữa các vấn đề liên quan đến nguồn cung mới được tháo gỡ. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng, cụ thể là giá thép đã tăng gấp đôi trong năm qua, kéo theo giá hàng loạt vật liệu khác tăng theo, nên giá nhà ở khó giảm trong ngắn hạn”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản có những biến động mạnh, trạng thái thăng trầm liên tục thay đổi trên cả nước. Tình trạng chung của thị trường hiện nay là nguồn cung sản phẩm khan hiếm, nhất là phân khúc nhà ở bình dân.
“Nguồn hàng khan hiếm, nhu cầu lại rất lớn, khi cung vượt cầu sẽ dẫn đến việc giá bất động sản bị đẩy lên cao. Đây là câu chuyện ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là Hà Nội và TP.HCM - nơi không có dự án nhà ở bình dân mới nào thời gian gần đây”, ông Đính nói và đưa ra dự báo, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn. Đặc biệt là đất nền vùng ven thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không có gì thay đổi, nguồn cung thiếu, giá bán duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm.
Tuy nhiên, theo ông Khương, việc nguồn cung hạn chế sẽ tạo điều kiện cho các đô thị xung quanh Hà Nội và TP.HCM phát triển. Bởi đây là những khu vực có quỹ đất còn nhiều, giá mềm dẻo hơn, từ đó cải thiện tính thanh khoản.