Dù đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch. |
Từ ứng phó
“Kế hoạch phản ứng của doanh nghiệp đối với Covid-19 cần được triển khai ngay lập tức. Đây sẽ là một quá trình liên tục và các ưu tiên sẽ thay đổi theo thời gian khi các doanh nghiệp xem xét tình hình để đưa ra chiến lược dài hạn. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cần tập trung vào kế hoạch duy trì hoạt động, nhưng cũng cần tính tới những tác động dài hạn hậu Covid-19, trong đó, cả việc đổi mới về khả năng phản ứng nhanh với một sự kiện tương tự”, đại diện JLL Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Phân tích kỹ hơn về xu hướng thị trường bất động sản trong mùa dịch, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, những nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm ở lĩnh vực bất động sản chắc chắn sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn.
Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn, nhưng bỏ tiền vào bất động sản cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.
Rõ ràng, câu chuyện hiện nay của các doanh nghiệp địa ốc không chỉ ở chỗ làm thế nào để tồn tại, mà còn cả ở việc chuẩn bị cho mình các kế hoạch tương lai thời hậu Covid-19.
Chia sẻ về quan điểm ứng xử với thị trường trong giai đoạn hiện tại, đại diện một chủ đầu tư lại có quan điểm khá thú vị. Ông này cho rằng, không nên có tâm lý dừng lại, cũng không nên có câu chuyện cất tiền đi, vì nếu ai cũng nghĩ như vậy thì sẽ không cứu được thị trường. Các thành viên thị trường cần nghĩ và hành động rằng, mỗi thành viên thị trường cần phải tự cứu mình, bằng việc ổn định tâm lý, bằng việc đưa tiền ra thị trường để lưu thông, bởi Chính phủ chỉ có thể đưa ra chính sách kích cầu cho thị trường khởi sắc trở lại, chứ không thể có đủ hầu bao đem cứu cả một thị trường, mà không có sự chung tay của các thành viên trong đó.
“Theo tôi, đây là lúc cần nhà đầu tư tự nguyện quay trở lại thị trường để giúp thị trường phục hồi”, vị này nhấn mạnh.
Đến đồng lòng
Nhìn nhận về câu chuyện hậu Covid-19, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, để chuẩn bị cho việc quay trở lại một cách mạnh mẽ khi dịch được kiểm soát, ở thời điểm hiện tại, các chủ đầu nên tập trung vào việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cùng với các cơ quan quản lý tháo gỡ những dự án đang ách tắc của giai đoạn trước, để khi thị trường hồi phục thì có thể triển khai dự án, có nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của khách.
Ông Đính cũng nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp cần thể hiện tinh thần đồng hành cùng Chính phủ để vực dậy thị trường: “Nhà nước, Chính phủ đã có các hỗ trợ, doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng Nhà nước, có động thái quyết liệt trong việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, triển khai dự án, tránh lãng phí. Các doanh nghiệp bất động sản cần tiết kiệm nguồn lực để phát huy hiệu quả hoạt động”, ông Đính nói.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, dù dịch Covid-19 đến một cách đầy bất ngờ và gây ra những tác động không nhỏ, nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tăng cường đào tạo nội bộ, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược để tăng khả năng thích ứng với một thế giới nhiều biến động.
Hiện, Phú Long đang thực hiện đồng thời nhiều giải pháp ứng phó trong và cả cho giai đoạn sau dịch. Công ty đang huấn luyện nội bộ để nâng cao chất lượng quản lý, vận hành các dự án, cùng với đó là hoạt động cải tạo các khu nghỉ dưỡng để có thể phục vụ tốt nhất khách hàng sau khi dịch được khống chế. Ngoài ra, Phú Long cũng đang quyết liệt thực hiện chiến lược doanh nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên và con người. Trong đó, ưu tiên phát triển các công trình xây dựng hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, hòa nhập văn hóa địa phương và ứng dụng các công nghệ 4.0, smarthome cho dự án.
“Covid-19 cũng là khoảng lặng cần thiết để các doanh nghiệp địa ốc nói chung, Phú Long nói riêng nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, con người, từ đó cho ra đời các dự án tốt, chất lượng, bởi chúng tôi tin rằng, khách hàng ngày càng thông thái và chỉ những sản phẩm tốt mới có thể chinh phục được thượng đế”, đại diện Công ty nhấn mạnh.
Và chờ ngày trở lại
Quan sát diễn biến thị trường, ông Đính cho rằng, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội sẽ có sự quay trở lại mạnh mẽ. Trong khi các phân khúc cao cấp, hạng sang và bất động sản du lịch cần khoảng thời gian dài hơn để làm dịu những tổn thương trước khi quay lại thị trường.
Lý giải về điều này, ông Đính phân tích, căn hộ giá thấp, bình dân và nhà ở xã hội sẽ sớm được người dân có nhu cầu thiết yếu tiếp cận trở lại. Nhóm khách hàng này sẽ tiếp cận thị trường ngay khi dịch được khống chế bởi nó gắn với nhu cầu thực. Còn các sản phẩm cao cấp có độ trễ dài hơn, vì khách hàng của phân khúc này thuộc nhóm đối tượng có thu nhập cao, thường đã có nhà ở, còn thanh khoản nếu có chủ yếu phục vụ mục đích đổi sang nhà tốt hơn, chất lượng hơn, chứ không phải là nhu cầu thiết yếu nên việc mua sắm này không được ưu tiên.
“Riêng với phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang thì đối tượng có thể tham gia ngay vào thị trường lại chủ yếu là giới đầu cơ, trong khi hai đô thị là Hà Nội và TP.HCM mức tăng giá với sản phẩm này không nhiều, thậm chí đi ngang, cá biệt có trường hợp cần bán vẫn phải cắt lỗ. Do đó, sản phẩm này không thuộc “hướng ngắm” của nhà đầu tư. Còn riêng với đất nền, do đặc thù triển vọng tăng giá cao tại các khu vực có quy hoạch và hạ tầng tốt nên cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư”, ông Đính nhận định.
Về triển vọng của phân khúc bất động sản du lịch, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuy nhiên, khi nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng, du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019). Đây được xem là yếu tố có lợi bởi sau đại dịch, có thể là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại. Chính vì vậy, cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn.
“Đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói, những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bất động sản lại là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, hơn lúc nào hết, giờ là lúc các thành viên thị trường phải tự đưa ra cho mình các giải pháp ứng phó nhanh để trụ được, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, để rồi trở lại mạnh mẽ. Nhưng trên hết, giờ là lúc các thành viên cần đồng lòng, đoàn kết, bởi thị trường chỉ có thể phục hồi và phát triển mạnh mẽ khi có thật nhiều bàn tay cùng vỗ.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, bất động sản sẽ phát triển
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Việt Nam
Khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng.
Các nhà đầu tư thường bỏ vốn vào địa ốc khi có biến động
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam
Trong những sự kiện biến động về kinh tế tương tự, các nhà đầu tư thường có xu hướng phân bổ vốn vào bất động sản nhiều hơn theo thời gian, nhờ biên lợi nhuận tương đối hấp dẫn so với các loại tài sản khác. Theo tôi, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, là thời cơ của bất động sản.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nhất cho việc quay lại thị trường
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký VNREA
Giờ là lúc các doanh nghiệp địa ốc cần thể hiện tinh thần chung tay cùng Chính phủ, thông qua việc sắp xếp lại bộ máy, tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí không cần thiết để chuẩn bị tốt nhất cho việc quay lại thị trường sau khi dịch được khống chế. Tôi tin rằng, sau dịch thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ.