Chuyển động thị trường
Thị trường bất động sản: Thông tin truyền thông "nhiễu sóng", trong thế "loạn 12 sứ quân"
Trang Linh - 25/08/2018 14:46
Thị trường bất động sản hồi phục khiến mảng truyền thông bất động sản cũng được dịp trăm hoa đua nở. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các trang rao vặt, diễn đàn cung cấp thông tin bất động sản đang khiến chủ đầu tư "đau đầu", còn người tiêu dùng bị lạc vào ma trận thông tin.

Nhiễu sóng vì quá nhiều trang tin địa ốc

Do nguồn cung lớn, để cạnh tranh và bán hàng nhanh, đa phần các chủ đầu tư dự án bất động sản chọn cùng lúc nhiều đơn vị phân phối. Để đẩy mạnh bán hàng, các đơn vị phân phối này cũng đẩy mạnh marketing, nhất là hoạt động marketing online trên các diễn đàn, các website rao vặt để lôi kéo khách hàng.

Gõ cụm từ "mua bán nhà đất Hà Đông" trên công cụ tìm kiếm của Google, chỉ trong 0,69 giây, có tới hơn 49 triệu kết quả. Trong số các trang hiển thị đầu tiên, nhiều nhất là alonhadat.com.vn; batdongsan.com.vn, nha.chotot.com, muabannhadat.vn, nhadat24h.net, kenhbds.vn… Khi vào từng trang web trên, không quá khó để thấy rất nhiều sản phẩm cùng diện tích, cùng khu vực, thậm chí thuộc cùng 1 dự án, nhưng mức giá chênh nhau với những cam kết ưu đãi rất khác nhau.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà, quan tâm tới một quảng cáo bán căn hộ chung cư cao cấp có diện tích 70 m2, có thiết kế đẹp, hiện đại, hai mặt tiền, với dịch vụ tiện ích xung quanh đa dạng như hồ bơi, sân vườn, nhà xe rộng rãi…, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được môi giới rao tin này dẫn đến xem thực tế căn hộ. Tuy nhiên, khi xem thực tế, thì căn hộ này đã qua sử dụng và không “lung linh” như hình quảng cáo, trong khi dự án cũng chỉ là một khu tập thể cũ được cơi nới lại, hạ tầng thiếu đủ thứ, chứ không phải là chung cư cao cấp với các tiện ích được tô vẽ.

Khi tỏ thái độ bức xúc vì quảng cáo không đúng sự thật và hình ảnh trên web cũng không đúng căn nhà được rao, giống như lừa đảo khách hàng, phóng viên (trong vai khách hàng) được môi giới giải thích là phải làm vậy để không cho các “cò” khác biết căn nhà đó ở đâu, mới không bị rơi mối.

Điều đáng nói, khi phản ánh việc rao bán thiếu trung thực tới các website đăng tin, thì các trang này cho biết, đây là trách nhiệm thuộc về người rao tin, website không chịu trách nhiệm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện có không ít môi giới và sàn môi giới bất động sản khi đăng rao bán trên các trang web rao vặt thường để ở mức giá hấp dẫn, nhằm thu hút người mua. Khi khách gọi đến thì cho biết “vừa bán xong”, nhằm tạo nên sự khan hàng, sau đó thuyết phục khách mua lại với giá cao hơn, hoặc hướng tới dự án khác. Với các chiêu này, các “cò” nhà đất và sàn môi giới có thể kiếm thêm tiền chênh, ngoài hoa hồng môi giới từ 2 - 3% từ chủ đầu tư hoặc chủ nhà.

Một chiêu khác mà các công ty môi giới thường áp dụng là rao bán nhiều căn nhà “ảo” tương tự với sản phẩm mà đơn vị mình đang bán với giá cao hơn để khách so sánh và dĩ nhiên sẽ quan tâm tới căn nhà giá rẻ hơn. Để thuyết phục khách xuống tiền nhanh, các sàn thường lấy lý do là chủ nhà cần tiền, hoặc đi nước ngoài… nên bán lại giá rẻ. Nếu người mua không tìm hiểu kỹ, mà vội vàng ký hợp đồng mua nhà, rất có thể mua với giá đắt hơn thực tế thị trường, cũng như giá mà chủ nhà đưa ra.
Hiện có nhiều trang thông tin rao vặt bất động sản khiến người tiêu dùng hoa mắt. Ảnh: Dũng Minh

Khó quản

Hiện nay, sự phát triển của mạng Internet giúp những người kinh doanh có thể dễ dàng đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình tới từng ngõ ngách trên thế giới thông qua các sàn thương mại điện tử, hoặc các trang rao vặt.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Báo Đầu tư Bất động sản, tại Việt Nam hiện có khoảng 300 trang web đăng tin bất động sản, rao vặt nhà đất được cấp phép, còn nếu tính cả những website không có giấy phép, con số lớn hơn gấp nhiều lần.

Điểm đặc biệt, thông qua việc làm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), hay quảng cáo Adwords…, các website này có thể thu hút lượt truy cập đến cả chục triệu lượt mỗi tháng. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của các thông tin đưa ra trên website này là rất lớn. Với thị trường độ minh bạch chưa cao, nhiều người mua nhà chưa phân biệt được tin thật, giả, thì các thông tin đưa ra ở các trang web này có ảnh hưởng lớn tới dự án nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Nếu việc rao bán nhà đất thổ cư đơn lẻ chỉ gây ảnh hưởng ở mức độ nhỏ, thì với các dự án, việc rao bán với những thông tin sai lệch về dự án có thể ảnh hưởng tới uy tín của chủ đầu tư, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giám đốc truyền thông của một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội "kêu trời" vì doanh nghiệp này chấp nhận chi cả tỷ đồng cho đơn vị phân phối làm truyền thông, nhưng thương hiệu của chủ đầu tư không được hưởng lợi.

Thậm chí, sau một thời gian bàn giao nhà cho khách hàng, thì bị cư dân phản ứng, khiếu nại với lý do chất lượng dự án và tiện ích không như lời quảng cáo. Khi đối thoại với cư dân và tra xét hàng trăm mẫu quảng cáo, cùng các bài viết giới thiệu về dự án trên báo chí chính thống, thì không hề thấy giống với những gì khách hàng phản ánh. Sau đó, khi kiểm tra rộng hơn, thì những tiện ích mà khách hàng phản ánh thiếu lại xuất phát từ các thông tin mà môi giới đưa ra khi đăng tin ở các trang rao vặt, các diễn đàn…

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hệ thống thông tin thị trường bất động sản rất quan trọng, bởi có rất nhiều bên cần tới thông tin thị trường, từ cơ quan quản lý, đến chủ đầu tư, khách hàng, các đơn vị nghiên cứu...

Đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề thông tin thị trường, ngày 12/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (có hiệu lực từ 1/1/2016). Trong đó, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản là cơ quan được giao chính thức thu thập và công bố các số liệu liên quan đến thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, hiện có rất nhiều kênh cung cấp thông tin về thị trường bất động sản và pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin. Ở mặt quản lý nhà nước, cơ quan quản lý sẽ nỗ lực để hạn chế các thông tin nhiễu loạn bằng việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn và công khai minh bạch để người dân theo dõi. Tuy nhiên, trước mắt, người sử dụng nên biết chọn lọc và dựa vào các nguồn thông tin chính thống để hạn chế những rủi ro cho mình.

Tin liên quan
Tin khác