Các start-up Việt đã có chỗ đứng trong cộng đồng blockchain thế giới, thu hút nhiều quỹ đầu tư rót vốn. |
Tìm mọi cách “lao” vào blockchain
Blockchain được cho là công nghệ hậu thuẫn của hầu hết các loại tiền ảo. Về bản chất, đây là một dạng sổ cái kỹ thuật số của các giao dịch tiền ảo phân tán trong khắp mạng lưới máy tính toàn cầu. Các nhà đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu đang cho thấy, họ không ngại tiền ảo sụt giá.
Đặc biệt, lượng vốn rót vào các start-up về công nghệ blockchain vẫn lên tới vài tỷ USD. Điển hình, Circle - công ty thanh toán và tiền kỹ thuật số được rót tới 440 triệu USD. Circle đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thông qua sáp nhập với một SPAC (công ty rỗng). Vụ chào sàn dự kiến này định giá Circle ở mức 4,5 tỷ USD.
Ledger, công ty phát triển ví phần cứng dùng cho việc cất giữ tiền kỹ thuật số cũng được thương vụ rót vốn tới 380 triệu USD.
Điều này cho thấy, thị trường tiền ảo đang trưởng thành, với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà đầu tư tổ chức. Hiện mỗi định chế tài chính lớn trên thế giới đều đã có kế hoạch hoặc đang lên kế hoạch đầu tư vào tiền ảo.
Các công ty lớn nhất trong khu vực có thể kể đến như Genesis Coin, Coinsource, Paymynt, Helium Systems... đến từ Mỹ và Bitaccess, Coinkite đến từ Canada.Các đơn vị này đóng vai trò cung cấp thiết bị và giải pháp blockchain cho các ngành dọc như ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, chính phủ, bán lẻ và thương mại điện tử.
Các công ty chủ chốt trong thị trường thiết bị blockchain đến từ các khu vực và quốc gia khác bao gồm Ledger (Pháp), SatoshiLabs (Cộng hòa Séc), Sirin Labs (Thụy Sĩ), Pundi X (Singapore), ShapeShift (Anh) và Samsung (Hàn Quốc)...
Lượng vốn kỷ lục rót vào các start-up tiền ảo cũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư đang tìm phương pháp thay thế để tham gia vào ngành công nghiệp tiền ảo. Thay vì trực tiếp mua tiền ảo như bitcoin hay ether, họ mua cổ phần trong các start-up tư nhân phát triển công nghệ cho tiền ảo và mạng lưới phân tán hậu thuẫn tiền ảo.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn đang lạc quan vào tương lai của tiền ảo như một tài sản dòng chính và tiềm năng của blockchain trong việc đưa thị trường tài chính trở nên hiệu quả, dễ tiếp cận và an toàn hơn. Andreessen Horowitz - công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon mới đây đã mở một quỹ đầu tư 2,2 tỷ USD chuyên về tiền ảo.
Tại khu vực Đông Nam Á, làn sóng đầu tư vào vào các start-up blockchain cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Hiện có khoảng 10 start-up của người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Riêng “kỳ lân” công nghệ Kyber Network của Lưu Thế Lợi đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn nhỏ tại hơn 100 quốc gia trong chiến dịch gọi vốn. Trong top 200 công ty blockchain trên thế giới, có 5 - 7 công ty do người Việt sáng lập... Nhiều tên tuổi người Việt có chỗ đứng đáng nể trong cộng đồng blockchain thế giới.
Tính từ thời điểm game Việt tỷ đô Axie Infinity lên ngôi số 1 thế giới trong phân khúc thị trường này, các game NFT Việt dần trở thành “mỏ vàng” gọi vốn đầu tư. Công ty mẹ của Axie Infinity là Sky Mavis đã hoàn tất vòng gọi vốn series B với hơn 150 triệu USD và doanh nghiệp này được định giá 3 tỷ USD.
Một game NFT Việt khác là Sipher của doanh nhân Nguyên Trung Tín và các đồng sáng lập đã gọi vốn thành công ở vòng gần nhất 6,8 triệu USD. Cuối tháng 9/2021, game HeroVerse, được phát triển bởi Hiker Studio - doanh nghiệp game trực tuyến tại Việt Nam - cũng gọi vốn thành công 1,7 triệu USD. Trong khi đó, DeFiHorse gọi vốn thành công 5 triệu USD từ nhiều quỹ nước ngoài, nhằm phát triển thế giới ngựa metaverse về cả đồ họa và lối chơi, dựa trên công nghệ blockchain.
Việc gọi vốn cho dự án game NFT hiện nay có nhiều thuận lợi so với trước đây. Chỉ trong một tuần, một game NFT có thể gọi vốn được 1 triệu USD. Đây là điều chưa hề xảy ra trên thị trường từ khoảng một năm về trước. Game NFT đang là trào lưu trên thị trường và bắt đầu được các công ty game lớn tại Việt Nam chú ý đầu tư gần đây. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được đánh giá là một thị trường game NFT sôi động, được nhiều quỹ đầu tư chú ý săn tìm dự án.
Mới đây, Quỹ đầu tư công nghệ cao Alpha Moon Capital có quy mô quản lý 10 triệu USD dành riêng cho các dự án blockchain tại Việt Nam đã chính thức ra mắt. Quỹ được thành lập bởi ông Nguyễn Ngọc Nam - nhà đầu tư kỳ cựu với thâm niên gần 10 năm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm vào các dự án start-up công nghệ nổi bật ở Việt Nam và Singapore.
Alpha Moon Capital sẽ tìm kiếm và hỗ trợ những dự án start-up trong lĩnh vực blockchain, fintech và tài chính phi tập trung tại Việt Nam để đầu tư giai đoạn đầu… Alpha Moon Capital đã đầu tư vào hơn 20 dự án, trong đó có nhiều dự án GameFi đầy triển vọng của Việt Nam, như Heroes & Empires, Heroverse, Warena… và các dự án nền tảng NFT đầy tham vọng như DareNFT. Quỹ cũng hy vọng sẽ tiếp tục giải ngân với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới để góp phần thúc đẩy hệ sinh thái blockchain Việt Nam nhanh chóng phát triển.
Không đứng ngoài xu thế, Tập đoàn NextTech cũng công bố Quỹ Next100 Blockchain quy mô 50 triệu USD đầu tư vốn cổ phần và tài sản số (Token) giai đoạn sớm của start-up blockchain. Quỹ này vừa rót 500.000 USD vào start-up Enrex đến từ châu Âu…
Khởi nghiệp blockchain: Đừng đánh mất mình
Blockchain, tiền điện tử đang “nóng” hơn bao giờ hết, nhưng không phải quỹ đầu tư nào cũng yêu thích và hứng thú với các khoản đầu tư vào mảng này.
Lê Hàn Tuệ Lâm, phụ trách Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans Việt Nam cho rằng, không quỹ đầu tư mạo hiểm nào giới hạn hay bó buộc mình chỉ theo một vài ngành hay vài xu hướng. Họ phải rất cởi mở và sẵn sàng đón nhận nhiều cơ hội mới, thì mới mong có được tỷ lệ hoàn vốn đầu tư đủ cao.
Blockchain có rất nhiều điểm thú vị, có thể tạo được nhiều ứng dụng và là mảnh đất rất màu mỡ cho các nhà đầu tư hiện tại cũng như tương lai. Tuy vậy, “khẩu vị” của Nextrans là đầu tư vào những công ty có mô hình kinh doanh có thể tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực họ muốn nhắm đến, tạo ra được giá trị với khách hàng, người dùng trong 5 - 10 năm tới.
Những xu hướng kinh doanh thời thượng chỉ để kiếm tiền trong ngắn hạn không nằm trong sự chú ý của Nextrans. Điều này không có nghĩa, những nhà đầu tư đang đánh cược vào các lĩnh vực blockchain là sai, chỉ đơn giản là, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau.
Từ 4 năm trước, Tuệ Lâm từng nói khá nhiều về blockchain. Trong trí tưởng tượng của mình, cô đã nghĩ blockchain sẽ tạo ra rất nhiều đột phá vận hành trong ngành tài chính, năng lượng nếu thực sự đặt trong khái niệm “phi tập trung”.
Tuy nhiên, nhìn vào thị trường blockchain Việt Nam hiện tại, Tuệ Lâm chỉ ra rằng, có tới 9/10 đội làm games, NFT; 80% nhà đầu tư ít nhiều giao dịch tiền điện tử; 99% bảng tin liên quan đến bitcoin giảm mấy chục phần trăm. Vì vậy, thị trường này cần một cuộc thanh lọc thực sự.
Nữ doanh nhân phụ trách Nextrans Việt Nam chia sẻ, có cơ hội nói chuyện với một “ông trùm” đầu tư của Trung Quốc, cô hiểu thêm tại sao nước này cấm việc khai thác và giao dịch tiền điện tử rất quyết liệt, bởi nó làm mất sự tập trung của rất nhiều doanh nghiệp, của cả giới trẻ tiềm năng và của chính lứa sáng lập công ty hiện tại. Khi việc kiếm tiền trở nên dễ dàng, họ quên mất mình là ai và công ty của mình giải quyết bài toán gì. Mọi thứ còn tệ hơn nếu họ mất tiền. Khi đó, họ lao vào tiền điện tử như con nghiện và “đánh bạc”.
Vậy nên, dù Chính phủ Ấn Độ cởi mở với công nghệ blockchain, nhưng lại không ưa tiền số. Ngân hàng Trung ương nước này thậm chí muốn cấm tất cả các loại tiền số do tư nhân phát triển, với lý do chúng đe dọa ổn định tài chính và vĩ mô. Họ đang tăng tốc hoàn tất dự luật quản lý mảng này trong thời gian sớm nhất.
Ấn Độ cấm giao dịch tiền kỹ thuật số từ năm 2018, nhưng 2 năm sau đó, Tòa án tối cao Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh cấm, khiến lĩnh vực tiền kỹ thuật số bùng nổ tại nước này. Ước tính, hiện Ấn Độ có 8 triệu nhà đầu tư tiền kỹ thuật số và nắm giữ số tài sản khoảng 100 tỷ rupee (1,4 tỷ USD).
Chính quyền Ấn Độ có xu hướng áp dụng quy định chặt chẽ hơn đối với tiền kỹ thuật số. Các quy định có thể được thông qua trước cuối năm 2022. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đang xem xét phát hành đồng tiền kỹ thuật số chính thức. Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi đánh giá, bitcoin có thể làm “hư hỏng” giới trẻ Ấn Độ
Trong khi đó, Chính phủ Australia đang bắt đầu có những động thái quản lý đồng bitcoin bằng cách ban hành các quy định mới về tiền điện tử, đồng thời soạn thảo kế hoạch tung ra đồng tiền kỹ thuật số riêng của nước này.
“Tôi chỉ mong các nhà sáng lập hãy tập trung vào việc của mình, đừng vì tâm lý đám đông mà đánh mất mình”, Tuệ Lâm chia sẻ.