Dự án HongKong Tower vừa xong móng, nằm trong ngõ, nhưng giá bán tăng gần 10 triệu đồng/m2 trong đợt mở bán mới đây |
Thanh khoản tăng cao
Quý I/2015, thanh khoản bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ vẫn duy trì ở mức khá cao. Đặc biệt, nhiều dự án bất ngờ tăng giá bán khi thị trường có xu hướng phục hồi rõ nét hơn năm 2014.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm được giao dịch tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đều cao hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, tại Hà Nội, lượng căn hộ giao dịch thành công đạt gần 4.000 căn; trong khi tại TP. HCM, con số này là trên 4.200 căn.
Báo cáo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn như Savills, CBRE đều đưa ra những đánh giá khả quan. Tuy nhiên, số liệu thống kê công bố có sự khác nhau, thậm chí chênh lệch nhau khá lớn.
Cụ thể, theo số liệu của CBRE, trong quý I/2015, lượng căn hộ mở bán mới tại Hà Nội là 4.880 căn, lượng căn hộ giao dịch đạt 3.080 căn. Còn số liệu Savills công bố cho thấy, số lượng căn hộ đã được bán lên tới hơn 5.600 căn.
Mặc dù đưa ra số lượng giao dịch thấp hơn số liệu của Savills, nhưng CBRE cho biết, số lượng giao dịch thực tế của thị trường căn hộ có thể lớn hơn rất nhiều.
Thanh khoản tăng khiến hàng loạt dự án căn hộ được mở bán. Sau lễ mở bán, các đơn vị đều công bố lượng sản phẩm được khách đặt mua rất lớn. Không ít dự án, chỉ sau một thời gian ngắn công bố mở bán, đơn vị phân phối và chủ đầu tư đã phải thông báo… hết hàng, như dự án FLC 36 Phạm Hùng, dự án 283 Khương Trung, hay dự án Scitech Tower Hồ Tùng Mậu...
Và “hội đồng” làm giá
Cùng với việc tăng thanh khoản, không ít dự án căn hộ đã xuất hiện tình trạng tăng giá bán.
Nếu như việc tăng giá bán tại các dự án đang hoàn thiện dễ được khách hàng chấp nhận vì chi phí vốn dự án tăng, thì tại các dự án mới triển khai, việc tăng giá bán cho thấy tình trạng “làm giá” hội đồng giữa đơn vị phân phối và chủ đầu tư.
Tại đợt mở bán lần 2 căn hộ dự án HongKong Tower, quận Đống Đa, mới đây, mức giá mở bán đã bị đẩy lên cao hơn đợt 1 (được mở bán trước đó không lâu) gần 10 triệu đồng/m2, dù dự án chỉ vừa xong móng.
Hay tại dự án Home City (đường Trung Kính) của chủ đầu tư Văn Phú Invest, mức giá tại đợt mở bán sau cũng được điều chỉnh so với đợt mở bán đầu tiên gần 2 triệu đồng/m2, dù dự án chỉ vừa chuyển qua giai đoạn thi công phần đế.
Và mới đây nhất, dự án CT4 Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Vimeco, dù vẫn chưa hoàn thiện móng, nhưng các hợp đồng góp vốn cũng đã kịp điều chỉnh với tiền chênh 300 - 400 triệu đồng so với giá hợp đồng góp vốn ban đầu.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, tại nhiều dự án, do chi phí vốn đã rất cao, nhiều đơn vị phân phối thậm chí còn tư vấn chủ đầu tư tăng giá bán, nên giá bán ra thị trường có thể cao. Việc tăng giá bán có lợi cho chủ đầu tư, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận và đơn vị phân phối vẫn bán được sản phẩm. Điều này khá bình thường ở những dự án đã cơ bản hoàn thiện, tuy nhiên, điểm đáng chú ý là ngay tại một số dự án mới triển khai, tiền chênh và giá bán vẫn tăng vùn vụt, cho thấy dấu hiệu “làm giá” rất rõ của chủ đầu tư và đơn vị phân phối.
“Lợi dụng thị trường căn hộ tăng thanh khoản, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp trước khi mở bán chính thức vẫn lén bán số lượng căn hộ hạn chế dưới dạng ‘suất ngoại giao’ để làm giá, sau đó tăng giá khi chính thức đưa ra thị trường. Việc tăng giá bán này được giải thích bởi nhiều lý do, nhưng lý do thuyết phục được các đơn vị nhắc đến vẫn là… do thị trường quyết định!”, Giám đốc một đơn vị phân phối có tiếng tại Hà Nội cho biết.
Việc chủ đầu tư bắt tay với đơn vị phân phối làm giá căn hộ cũng được đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trần Ngọc Quang cảnh báo trong một hội thảo về bất động sản mới đây. Theo ông Quang, hiện tượng làm giá căn hộ và việc thị trường phát triển quá nóng sau khi đã trải qua thời gian dài khó khăn, sẽ rất nguy hiểm. Thậm chí, vị chuyên gia này nhấn mạnh, tình trạng này có nguy cơ khiến thị trường trở nên nguội lạnh trong thời gian tới.