Chuyển động thị trường
Thị trường căn hộ vẫn “sáng cửa”
Việt Dũng - 23/07/2021 08:15
Dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, nguồn cung mới và lượng giao dịch đều giảm, nhưng thị trường bất động sản căn hộ được dự báo tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2021.
Thị trường bất động sản căn hộ được dự báo tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2021.

Căn hộ chung cư nhận được nhiều sự quan tâm

Theo số liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, từ đầu năm đến nay, khi các phân khúc khác vẫn đang gặp khó vì Covid-19, thì căn hộ chung cư lại nhận được nhiều sự quan tâm của người mua nhà.

Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cho thấy, trong quý II/2021, phân khúc đất nền tại thị trường TP.HCM không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, giao dịch tập trung chủ yếu tại các dự án cũ đã mở bán từ những năm trước. Nguyên do bởi dịch bệnh tái bùng phát, cùng với đó là mặt bằng giá ngày càng cao khiến thị trường đất nền TP.HCM trầm lắng.

Còn đối với phân khúc căn hộ, thị trường ghi nhận có 9 dự án mở bán. Trong đó có 2 dự án mới và 7 giai đoạn tiếp theo của các dự án đã mở bán trước, với khoảng 3.072 căn, tăng 21% so với quý trước và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 79% (2.431 căn) trên nguồn cung mới, tăng 24% so với quý trước và gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Vietnam, mặc dù nguồn cung tăng nhẹ so với quý I/2021, nhưng thực chất thị trường chỉ sôi động ở nửa đầu quý II (từ tháng 4 đến giữa tháng 5), tăng lần lượt 21% và 24% so với quý trước. Giá sơ cấp các chủ đầu tư đưa ra cũng tăng phổ biến 3 - 5% so với đợt mở bán ở quý trước, chủ yếu ở những dự án chuẩn bị bàn giao, hình thành khu đô thị hiện hữu với hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ.

“Phân khúc căn hộ vẫn là sản phẩm chủ đạo của thị trường nhà ở TP.HCM. Tuy nhiên, căn hộ giá bình dân rất thiếu, trong khi căn hộ cao cấp và hạng sang vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn cung mới”, ông Hoàng nói.

Đại diện DKRA Vietnam cho biết thêm, thị trường căn hộ có thể tăng giá khoảng 5 - 10% trong nửa cuối năm nay vì một số lý do như: nguồn cung mới chưa có dấu hiệu dồi dào hơn, giá thép và vật liệu xây dựng tăng, tác động đến chi phí của chủ đầu tư, những dự án sẽ ra đời vào nửa cuối năm thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, có vị trí đẹp. Đồng thời, khi dịch bệnh được khống chế, các hoạt động kinh tế sôi động trở lại, tâm lý tích cực hơn, dòng tiền đổ vào đầu tư kinh doanh nhiều hơn.

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TP.HCM cho rằng, 40% dự án căn hộ đang chào bán trên thị trường trong quý II/2021 đều tăng giá khoảng 15% so với quý trước. Một số dự án mới cũng ghi nhận mức tăng giá 10% so với giai đoạn mở bán trước.

“Quỹ đất để phát triển nhà thấp tầng tại TP.HCM ngày càng hạn hẹp, giá trị cũng khá cao. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở vẫn tiếp tục tăng, nên giá khó có thể giảm được”, bà Trang lý giải.

Thế khó của doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME cho rằng, nhu cầu về phân khúc bất động sản căn hộ tại TP.HCM là rất lớn, chính quyền thành phố cũng định hướng phát triển theo xu hướng thúc đẩy phát triển nhà ở cao tầng. Song để phát triển được một dự án cao tầng tại TP.HCM hiện nay không phải là việc dễ đối với các doanh nghiệp. Đơn cử, việc thống nhất các bước để thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố, sau thời gian dài đưa ra thảo luận thì đến nay vẫn chưa có kết quả thống nhất.

“Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất quy trình lên Thành phố. Lãnh đạo UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành xem xét thống nhất các nội dung. Nhưng đến nay, quy trình thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại như thế nào vẫn chưa rõ. Doanh nghiệp phải vừa làm vừa mò mẫm, rất mất thời gian”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Một khó khăn nữa là việc kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất. Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, việc này không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi khi chưa được đóng tiền sử dụng đất thì việc cấp sổ hồng cho khách hàng cũng không thực hiện được, gây tâm lý hoang mang, bức xúc cho người mua nhà. Doanh nghiệp cũng bị mang tiếng oan vì không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay vẫn còn một số quy định pháp luật chưa đảm bảo đầy đủ tính thống nhất, tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Chính vì vậy, đã có hàng trăm dự án nhà ở bị ngừng triển khai do ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng. Các vướng mắc pháp lý này đã khiến cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm rất lớn trong các năm qua.

“HoREA đề xuất Chính phủ sớm xem xét ban hành một số văn bản liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong thủ tục pháp lý, giúp doanh nghiệp phát triển”, ông Châu nói.

Tin liên quan
Tin khác