Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Cơ hội ở cổ phiếu thép, dầu khí, khai khoáng
CTCK VNDirect - 05/12/2016 09:10
Thị trường tương lai hàng hóa tiếp tục là tâm điểm chú ý của giới đầu tư tuần qua. Giá kim loại điều chỉnh, nhưng dầu thô lại bứt phá mạnh mẽ, giúp cho các chỉ số hàng hóa như GSCI hay CRB duy trì xu hướng tăng.

Trên COMEX, sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới, giá hợp đồng tương lai của đồng (HGF7) giảm 2,04%, nhôm (ALF7) giảm 1,44%. Cùng điều chỉnh, nhưng thị trường tương lai hàng hóa của Trung Quốc giảm mạnh hơn đáng kể. Giá đồng và kẽm trên Sàn Giao dịch hàng hóa Thượng Hải sụt giảm lần lượt 4% và 7%. Động thái hút tiền từ hệ thống tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã khiến giới đầu cơ Đại lục lo ngại rằng, tiền rẻ sẽ không tiếp tục chạy vào thị trường hàng hóa nữa.

Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, giá kim loại và than cốc tăng có nền tảng từ tăng nhu cầu tiêu thụ, thay vì thuần túy đầu cơ. Số liệu tăng trưởng sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới liên tục tốt hơn kỳ vọng là một bằng chứng.

Trên NYMEX, dầu thô có một tuần bứt phá mạnh mẽ. Hợp đồng tương lai dầu Brent giao tháng 1/2017 (BRF7) tăng 11,14%, đóng cửa ở mức 54,29 USD/thùng. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các quốc gia OPEC và các nhà cung cấp lớn khác như Nga, Nigeria, khiến vị thế mua cho nhu cầu tiêu thụ, cũng như đầu cơ tăng mạnh. Cần nói thêm rằng, theo báo cáo COT của Ủy ban Giao dịch hàng hóa có kỳ hạn Mỹ, có khá nhiều vị thế bán khống đã mở trên thị trường tương lai dầu thô, nên hoạt động mua để đóng vị thế cũng góp phần giúp giá dầu tăng mạnh đến như vậy.

Theo quan điểm của chúng tôi, dầu Brent sau khi bứt phá ngưỡng tâm lý 52 USD/thùng, có thể đi lên 62 USD/thùng trong ngắn hạn. Tóm lại, thị trường hàng hóa đang cho thấy sự lạc quan, khi lực kéo tạm thời được chuyển từ kim loại sang dầu mỏ.

Những thị trường cổ phiếu tăng giá mạnh thời gian gần đây như Nhật, Trung Quốc và Mỹ, đồng loạt điều chỉnh nhẹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tiếp tục đứng ở mức thấp trong 9 năm qua, đạt mức 4,6%. Số việc làm mới vẫn cho thấy tăng trưởng nền kinh tế đang ở mức trung bình. Trong khi đó, thị trường cổ phiếu đã tỏ ra lạc quan hơi quá, hoàn toàn dựa trên kỳ vọng chính sách của tân tổng thống sẽ làm mọi thứ tốt hơn, thay vì mức sinh lời thực tế của các doanh nghiệp. Chứng khoán châu Âu tuần qua hoàn toàn đứng ngoài cuộc đua tăng giá. Chỉ số Euro Stoxx 50 điều chỉnh nhẹ, trong bối cảnh không có xu hướng từ đầu năm 2016. Rủi ro chính trị liên quan đến Brexit và trưng cầu của nước Ý đã gây tâm lý lo ngại lên hầu hết các thị trường lớn trong khu vực này.

Trở về với thị trường trong nước, bất chấp các nỗ lực tăng của cổ phiếu thép và dầu khí, VN-Index vẫn mất điểm và dấn thêm một bước vào xu hướng giảm giá ngắn hạn. Quỹ đầu tư chỉ số iShares đã chính thức mua mạnh VNM và HPG, với danh mục iShares MSCI Frontier 100 ETF ở phiên giao dịch giữa tuần qua, nhưng ngay lập tức, một lượng cung đối ứng đã tranh thủ cơ hội để chốt lời.

Là một cổ phiếu cốt lõi của thị trường, chúng tôi nghĩ rằng, quá trình đi ngang của cổ phiếu VNM sẽ chi phối diễn biến VN-Index giai đoạn tới. Điểm tích cực là thị trường có thể sẽ không bị sụt giảm mạnh. Trong khi đó, luôn có những cổ phiếu có tiếng nói riêng và đi ngược xu hướng chung. Tuần giao dịch này, điều trên có thể tiếp diễn ở nhóm thép, dầu khí và đồ uống, với sự kiện Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) chính thức niêm yết trên HOSE ngày 6/12 tới.

Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm rằng, thị trường nói chung thiếu động lực bứt phá, nhưng cơ hội luôn có ở những cổ phiếu liên quan đến xu hướng tăng giá hàng hóa như dầu khí, khai khoáng và thép.

Tin liên quan
Tin khác