Giá cổ phiếu nhiều nhóm ngành hầu như đã lên mặt bằng mới, chỉ riêng các cổ phiếu bất động sản hiện chưa tăng |
Thông thường, xu hướng dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong quý IV, do kỳ vọng vào lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp khối này khi nhiều dự án lớn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2017 - 2018 và đây là thời điểm phản ánh kết quả vào báo cáo tài chính.
Theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB (MBS), có nhiều lý do để dự báo rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ tiếp tục xu thế tăng trong nhiều tháng tới. Thứ nhất, việc áp dụng Thông tư 200/2014/TT-BTC khiến các doanh nghiệp bất động sản dù bán được nhiều hàng trong giai đoạn 2013 - 2016, thu được dòng tiền về nhưng chưa được hạch toán lợi nhuận theo tiến độ như các năm trước. Chính yếu tố này đã tạo nên điểm cực kỳ hấp dẫn với cổ phiếu bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2016 đến cuối năm 2017, bởi đây là thời điểm bàn giao nhà cho người mua, khi việc bàn giao hoàn tất, các doanh nghiệp bất động sản sẽ được hạch toán lợi nhuận.
Thứ hai, giá cổ phiếu nhiều nhóm ngành hầu như đã lên mặt bằng mới, với chỉ số VN-Index trên 670 điểm, chỉ riêng các cổ phiếu bất động sản hiện vẫn giao dịch ở mức tương đương với VN-Index giai đoạn 550 - 580 điểm. Chính sự tích tụ lâu ngày này sẽ sớm kích hoạt dòng tiền thông minh chảy vào các mã bất động sản trong 6 tháng tới.
Thứ ba, tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp bất động sản có chiến lược tập trung vào phân khúc nhà ở hạng B và hạng C là rất lớn, bởi đây là phân khúc có nhu cầu ở thực với tỷ lệ vay rất thấp, không phải là nhu cầu đầu cơ.
“Tôi đặc biệt ưa thích các doanh nghiệp bất động sản đang tập trung vào phân khúc này”, ông Chung cho biết.
Ở góc nhìn khá thận trọng, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS) cho rằng, theo chu kỳ, vào giai đoạn cuối năm, một số doanh nghiệp sẽ hạch toán lợi nhuận vào nhiều hơn nên cổ phiếu nhóm này có thể tạo sóng nhỏ. Nhưng nhìn tổng thể, dòng tiền sẽ có sự phân hóa mạnh vào từng cổ phiếu tâm điểm, nghĩa là không phải cứ cổ phiếu bất động sản là có thể tăng nóng, mà còn phụ thuộc vào tính thanh khoản, mức độ giảm sâu so với thời điểm đầu năm của cổ phiếu, cũng như chỉ tiêu tài chính lành mạnh của doanh nghiệp.
Theo CTCK BSC, nhà đầu tư nên lưu ý tới nhóm doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cuối năm do bán hàng tốt, đồng thời cũng là nhóm có quỹ đất lớn, đang triển khai nhiều dự án như VIC, DXG, HDG, KDH…
Trong khi đó, nhóm chiết khấu cao so với giá trị sổ sách bao gồm ITC, SCR. Đây là các doanh nghiệp sở hữu dự án ở vị trí tốt, nhưng do vướng thủ tục pháp lý trong quá khứ nên tiến độ triển khai không như mong muốn, hàng tồn kho lớn. Tuy vậy, sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý, nhóm doanh nghiệp này đang tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng và mở bán một số dự án còn tồn đọng để xoay vòng vốn, ký kết thêm các dự án khác nhằm bắt kịp xu hướng chung của thị trường.
Hiện tại, cũng giống như nhà đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư cổ phiếu đã có đánh giá sâu sát hơn về từng loại cổ phiếu, không hẳn chỉ đi theo xu hướng thị trường. Do đó, lợi thế đang thuộc về các doanh nghiệp bất động sản có các dự án đảm bảo tiến độ thi công, ghi nhận lợi nhuận tốt và đương nhiên, cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội “bùng phát” cao hơn khi thị trường vào sóng.
Tuần qua, tổng cộng trên cả 2 sàn (HOSE và HNX), khối ngoại đã bán ròng 31,47 triệu đơn vị, gấp hơn 10 lần so với tuần trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 586,53 tỷ đồng.
Xét về khối lượng, các cổ phiếu bất động sản dẫn đầu danh mục bị bán ròng, trong đó, FLC bị bán ròng 6,36 triệu cổ phiếu, giá trị 43,46 tỷ đồng.
Tiếp sau, HQC bị bán ròng 3,04 triệu cổ phiếu, giá trị 13,94 tỷ đồng và VIC bị bán ròng 2,25 triệu cổ phiếu, giá trị 82,35 tỷ đồng.