Thông tin CTCP Nông súc sản Đồng Nai (NSS) lãi quý I/2020 đã vượt cả năm 2019 cuối tuần qua gây tò mò cho nhiều nhà đầu tư và gợi lên câu hỏi, liệu đây có phải là địa chỉ đáng "gửi vàng" trong bối cảnh “cả làng” doanh nghiệp đang phải ghi nhận hiệu quả suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19? Điều đáng tiếc là tìm hiểu thêm một chút, nhà đầu tư sẽ dễ thất vọng khi NSS là doanh nghiệp lên sàn từ lâu, nhưng hoàn toàn không có thanh khoản kể từ năm 2018.
263 mã niêm yết bị dòng tiền lãng quên, UPCoM nhiều mã hoàn toàn không có giao dịch
Với vốn điều lệ 102 tỷ đồng, NSS có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, sở hữu 84,32% vốn và 1 cá nhân sở hữu 7,89% vốn. Bức tranh sở hữu ngay từ khi lên sàn đã “cô đặc” như vậy cho thấy, việc NSS thanh khoản kém không có gì lạ.
Điểm bất ngờ là ở việc không có một giao dịch nào được thực hiện kể từ khi lên sàn đến nay, nhưng NSS vẫn… bình yên yết giá hàng ngày, ghi nhận vốn hóa thị trường theo giá của năm… 2018.
Những người có tiền nhìn vào hiện trạng này sẽ lắc đầu ngay lập tức, bởi muốn mua cũng không thể mua được và quan trọng hơn, ưu thế “vào nhanh, rút ra nhanh” của đầu tư chứng khoán bị “chết” ngay ở cái nhìn đầu tiên vào loại cổ phiếu dạng này.
Tình trạng chết thanh khoản không phải chỉ xảy ra với riêng NSS trên sàn UPCoM. Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, cùng cảnh với NSS có cổ phiếu BIO của CTCP Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang, chào sàn UPCoM từ 30/8/2018, nhưng đến nay chưa có giao dịch nào được thực hiện.
Tương tự là mã BCB của CTCP 397, chào sàn từ ngày 29/10/2018; mã CAB của CTCP Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam chào sàn ngày 6/9/2019 và mã CAM của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau, chào sàn ngày 7/8/2019 cũng hoàn toàn trắng bên mua và bên bán kể từ ngày chào sàn đến nay.
Mã ghi kỷ lục “nằm im tuyệt đối” trên sàn là CMK của CTCP Cơ khí Mạo khê - Vinacomin, chào sàn UPCoM gần 5 năm, nhưng hoàn toàn không có giao dịch.
Đó là trên sàn UPCoM, còn trên sàn niêm yết, tình trạng thanh khoản kém cũng là một câu chuyện lớn cần lời giải.
Trong kỳ xem xét bộ chỉ số VNX-Index tháng 4/2020, có 263 cổ phiếu có thanh khoản quá kém, bị loại ra khỏi rổ tính chỉ số chung đo lường biến động của 2 sàn niêm yết.
Thanh khoản là tiêu chuẩn có số doanh nghiệp bị loại nhiều nhất và bắt buộc phải loại do cổ phiếu thanh khoản quá kém, nếu tính vào bộ chỉ số chung sẽ không phản ánh đúng tính thị trường của sàn niêm yết.
Các tiêu chí loại ra khỏi rổ tính có số mã bị loại ít hơn nhiều, chẳng hạn tiêu chí không đủ tư cách tham gia chỉ số (67 cổ phiếu bị loại) hay tính lỏng của cổ phiếu (free - float) chỉ có 12 cổ phiếu.
Điều đáng nói là trong số các mã bị loại khỏi rổ tính chỉ số chung VNX-Index vì thanh khoản kém, có cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tên tuổi hoặc có quy mô vốn hóa lớn.
Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên, nhưng ở đó có tên cổ phiếu của CTCP Bibica (vốn hóa thị trường 678 tỷ đồng); CTCP Thép Pomina (vốn điều lệ 2.796 tỷ đồng); CTCP Transimex (vốn điều lệ 630 tỷ, vốn thị trường 1.600 tỷ đồng); CTCP Cao su Hòa Bình (vốn điều lệ 302, vốn hóa trên 1.100 tỷ đồng); CTCP Thủy điện Thác Bà (vốn hóa 1.450 tỷ đồng); CTCP Chứng khoán Dầu khí (vốn điều lệ 598 tỷ đồng); CTCP Xây dựng điện VNECO3, CTCP Xây dựng điện VNECO4…
Vì sao dòng tiền lãng quên vào 263 cổ phiếu niêm yết, trong đó có nhiều mã vốn hóa hàng nghìn tỷ là câu hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp cần trăn trở, nhưng ở khía cạnh thị trường, nếu tiếp tục để các mã yếu trên sàn, thậm chí không có thanh khoản, liệu có lợi ích gì cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư, cho hiệu quả chung của thị trường?
Thanh khoản không có, vì sao cổ phiếu cứ mãi trên sàn?
Loại các mã kém thanh khoản ra khỏi việc tính chỉ số VNX-Allshare (*) là quyết định đã được Hội đồng chỉ số, Sở GDCK TP.HCM (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX) thống nhất thực hiện từ năm 2018 khi xây dựng Quy tắc quản lý chỉ số.
Tuy nhiên, chưa có quy định pháp lý nào định danh việc loại các cổ phiếu yếu thanh khoản, hoặc chưa từng có giao dịch ra khỏi sàn.
Tại HOSE, Quy chế niêm yết hiện nay quy định 6 trường hợp Sở sẽ tạm ngừng giao dịch với 1 loại cổ phiếu, đó là: Khi giá, khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường; tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; tổ chức niêm yết thực hiện việc tách, gộp cổ phiếu; tách doanh nghiệp; khi trái phiếu chuyển đổi đăng ký chuyển đổi từng phần thành cổ phiếu;
Tổ chức niêm yết giảm vốn điều lệ nhưng không thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc sau khi hoàn tất giảm vốn và trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hoặc đảm bảo ổn định của thị trường sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chấp thuận.
Tại HNX, quy định về việc ngừng giao dịch cổ phiếu cũng gần tương tự. Trên sàn UPCoM, cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch khi tổ chức đăng ký giao dịch không xác định được trụ sở chính hoặc hồ sơ đăng ký có dấu hiệu giả mạo, hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin…
Rà soát các quy định hiện hành cho thấy, không có điều khoản nào quy định cổ phiếu yếu thanh khoản hoặc chết thanh khoản bao nhiêu phiên, thì bị loại ra khỏi sàn.
Trong khi TTCK Việt Nam ghi nhận có trên 1.500 loại hàng hóa trên sàn (HNX, HOSE, UPCoM), thì ở phía nhà đầu tư, câu hỏi đặt ra là cổ phiếu yếu thanh khoản hoặc chết thanh khoản có mặt trên sàn để làm gì?
Giá trị doanh nghiệp không tăng thêm, dòng tiền mới vào cổ phiếu, vào doanh nghiệp không có, cổ đông không được hưởng lợi gì về giá, về giao dịch, còn nhà đầu tư đại chúng không có cơ hội kiếm lợi từ cổ phiếu…
Giá trị lớn nhất loại doanh nghiệp yếu thanh khoản có mặt trên sàn là đóng góp làm cho vốn hóa thị trường tăng lên.
Đây cũng là một trong những chỉ tiêu mà ngành chứng khoán phải thực hiện trong những năm gần đây, được quy định trong Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu về độ lớn thị trường đạt được như kế hoạch Chính phủ giao, thì về chất lượng giao dịch đang dần trở thành một câu hỏi lớn.
Rằng, chất lượng giao dịch, thanh khoản thị trường có tăng trưởng tương xứng với quy mô thị trường, hay dòng tiền chỉ chạy quanh khoảng 10% số loại hàng hóa, 90% còn lại có mặt cũng không ích lợi nhiều?
Năm 2020 là một năm đặc biệt với TTCK Việt Nam khi đây là năm ngành chứng khoán hoàn thiện nền tảng pháp lý mới để tạo sự đồng bộ với Luật Chứng khoán có hiệu lực thực thi từ 1/1/2021.
Nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng, nền tảng pháp lý mới cần thúc đẩy thị trường nâng tầm về chất nhiều hơn là hướng đến các chỉ tiêu về lượng. Nhà đầu tư, sau 20 năm trải nghiệm với “chứng trường” đã trở nên khắt khe và tinh tường hơn trong lựa chọn cơ hội.
Vì thế, nếu tiếp tục để những cổ phiếu kém chất lượng hoặc kém thanh khoản trên sàn sẽ chỉ làm cho hình ảnh thị trường nghiêng về tính kém hiệu quả, vì loại hàng hóa này đi ngược với 2 giá trị cốt lõi của một TTCK, đó là tính thanh khoản và khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp.
(*) Toàn thị trường niêm yết hiện có 749 doanh nghiệp, trong đó có 263 doanh nghiệp niêm yết bị loại khỏi rổ tính chỉ số VNX-Allshare vì có tỷ suất vòng quay chứng khoán nhỏ hơn 0,02%.