Tuần qua, thị trường diễn biến khá giằng co với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng điểm. Kết thúc phiên cuối tuần ngày 29/9, chỉ số VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ với 804,4 điểm. Một điều đáng chú ý là trong tuần qua, thị trường ghi nhận sự bứt phá của nhóm cổ phiếu dầu khí, dẫn đầu là GAS và PVD.
Cụ thể, trong phiên ngày 26/9, hàng loạt cổ phiếu ngành dầu khí đồng loạt tăng, trong đó cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí gây chú ý khi có phiên tăng trần, đạt 14.800 đồng/cổ phiếu, sau khi có phiên điều chỉnh. Trong tuần, giá cổ phiếu PVD đã tăng 4,3%.
Nếu tính trong tháng 9, cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP có mức tăng mạnh nhất, khi kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9 ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu, tăng 12%
trong tháng.
Nhiều thành viên thị trường nhận định, sở dĩ cổ phiếu họ dầu khí đang nhận được sự quan tâm trở lại và theo xu hướng tăng bởi diễn biến tích cực của giá dầu thế giới. Cụ thể, dầu thô Brent đã có 5 tuần tăng giá liên tiếp, hiện đang giao dịch ở khoảng 51 USD/thùng, khi giới đầu tư đặt niềm tin rằng chiến lược cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang phát huy tác dụng.
Phân tích một cách rõ ràng hơn xu hướng tăng của cổ phiếu ngành dầu khí, ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt cho biết, dù hoạt động kinh doanh đều gắn liền với giá dầu, nhưng câu chuyện của GAS khác so với PVD. Cụ thể, GAS là doanh nghiệp chuyên phân phối và kinh doanh khí hóa lỏng, sản phẩm có giá bán nhạy cảm với diễn biến của giá dầu thế giới. Khi giá dầu hồi phục, kết quả hoạt động kinh doanh của GAS được cải thiện đáng kể, giúp lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của Công ty tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, lợi nhuận của PVD vẫn sẽ âm trong năm 2017 khi giàn TAD PVD V chưa có việc và giá cho thuê các giàn khoan tự nâng còn ở mức thấp. Với Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam, dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 dương nhờ hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình, nhưng Công ty vẫn chưa ký được nhiều hợp đồng bọc ống mới cho các năm sau.
Theo giới phân tích, diễn biến tăng vừa qua của nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ đang phản ánh tâm lý hưng phấn của thị trường khi xuất hiện những tín hiệu tích cực cho thấy chuyển biến mới trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này.
“Việc tăng giá được hỗ trợ tốt bởi giá dầu thế giới đang leo dốc trong ngắn hạn, tuy nhiên, sự điều chỉnh có thể sẽ xảy ra và thách thức đà hồi phục của các cổ phiếu dầu khí”, ông Đức cho biết.
Nhận định về diễn biến của giá dầu, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích vĩ mô và Tài chính, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, sự phục hồi giá dầu vừa qua chủ yếu đến từ việc gián đoạn nguồn cung cục bộ tại Mỹ và khu vực Trung Mỹ do tác động bởi các siêu bão, cùng kỳ vọng các quốc gia thành viên OPEC, cũng như một số nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn khác có thể kéo dài thời gian kiểm soát nguồn cung. Tuy nhiên, khi tình hình thời tiết thuận lợi trở lại, Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất dầu đá phiến và giá dầu vẫn khó khăn để vượt qua mốc 55 USD/thùng trong năm nay.
Theo ông Đức, để nhóm cổ phiếu dầu khí có thể khởi sắc, giá dầu thế giới phải tiếp tục tăng và xác lập được một mặt bằng giá mới trên ngưỡng 65 USD/thùng đối với dầu Brent.
“Việc dự báo biến động của giá dầu là rất khó, nhưng với các tín hiệu kỹ thuật hiện tại, chúng tôi ít nhiều đặt kỳ vọng vào kịch bản tăng giá. Hiện tại, các cổ phiếu dầu khí bluechip như PVD, PVS hay những cổ phiếu vốn hóa trung bình như PVB, PVC, PVE… đều đang nằm trong vùng đáy với mức độ rủi ro không quá cao, bù lại đòi hỏi nhà đầu tư sự kiên nhẫn cũng như tầm nhìn trung và dài hạn”.