Nhiều yếu tố thuận lợi
Nhiều doanh nghiệp ngành thép khởi sắc năm 2016, nhưng sang năm 2017, theo nhận định của một số công ty chứng khoán, cổ phiếu thép vẫn còn dư địa tăng trưởng nhờ một số yếu tố.
Thứ nhất, giá nguyên liệu sản xuất gồm quặng sắt, than cốc sẽ giảm trở lại sau khi tăng mạnh từ những tháng cuối năm 2016 bởi nguồn cung tăng thêm từ Úc và Brazil.
Thứ hai, ngành xây dựng dân dụng tăng trưởng cùng nhu cầu đầu tư công tăng trở lại sẽ tạo ra nhu cầu lớn đối với thép xây dựng.
Thứ ba, giá thép dự báo tăng bởi chi phí sản xuất tăng, trong bối cảnh giá nguyên liệu ở mức cao và nguyên liệu giá rẻ dự trữ không còn.
Thứ tư, khu liên hợp Formosa chưa sản xuất thép xây dựng trong năm 2017, cùng với quy định áp thuế tự vệ giảm cạnh tranh từ thép nhập khẩu, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp thép nội địa tăng doanh số và giá bán...
Theo nhận định của VCBS, sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017, sau đó hạ nhiệt dần vào cuối năm. Giá thép sẽ tăng lên đến ngưỡng 10,8 triệu đồng/tấn trong năm 2017. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành sẽ không đồng đều như trong năm 2016, trong đó, lợi thế thuộc về các doanh nghiệp đầu ngành.
Thép xây dựng: HPG giữ vị thế dẫn đầu
Giá thép tăng mạnh khiến 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế tăng 58% so với cùng kỳ 2015, đạt hơn 4.656 tỷ đồng.
Theo số liệu đến tháng 11/2016, HPG đã hoàn thành 95% kế hoạch thép xây dựng năm, chiếm trên 25% thị phần trong nước và lần đầu tiên sản lượng tiêu thụ vượt 200.000 tấn/tháng.
Hệ thống sản xuất, phân phối mạnh và rộng khắp, thương hiệu uy tín đã giúp HPG có thêm lợi thế so với các doanh nghiệp nội khác trong cuộc đua giành lại thị phần từ thép xây dựng nhập khẩu, sau khi quy định áp thuế tự vệ được thực hiện.
Theo MBS, sản lượng tiêu thụ của HPG tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10 - 15%/năm, nhưng biên lợi nhuận và lợi nhuận sau thuế của HPG lại giảm trong năm 2017 do không còn yếu tố nguyên vật liệu giá rẻ hỗ trợ.
Tuy vậy, HPG hiện đang là bluechips rẻ nhất hai sàn niêm yết, yếu tố định giá là điểm hỗ trợ khi PE ước tính cho 2017 của HPG là 6,46 lần, thấp hơn hẳn mức trung bình 8,8x của HPG trong lịch sử.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa ghi nhận một năm kinh doanh thuận lợi nhất từ trước tới nay. Với niên độ tài chính kết thúc vào tháng 9/2016, HSG vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào cuối tuần qua.
HSG công bố, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty trong niên độ tài chính tiếp theo lần lượt đạt 23.000 tỷ đồng (tăng 28,5%) và 1.650 tỷ đồng (tăng 9,7%). HSG đã đề xuất trả cổ tức bằng tiền mặt tối đa 10% cho niên độ 2015-2016 và 55% bằng cổ phiếu. Chính sách cổ tức của HSG cho thấy Công ty đang có nhu cầu giữ lại lợi nhuận để đầu tư.
Tại ĐHĐCĐ thường niên của HSG, vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm chất vấn lãnh đạo HSG là Dự án Cà Ná. Theo chia sẻ của Chủ tịch HSG Lê Phước Vũ, "nếu được Chính phủ chấp thuận thì HSG sẽ làm khu công nghiệp, làm cảng trước rồi đến dự án thép”.
Nhóm thương mại: Kết quả kinh doanh biến động mạnh
Nhóm doanh nghiệp thép thương mại vốn nhạy cảm với diễn biến giá thép nhất trong ngành. Thông thường, lợi nhuận sẽ tăng mạnh nhất tại giai đoạn xu hướng giá đảo chiều từ giảm sang tăng bởi tồn kho giá thấp bán được giá cao và ngược lại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thép Tiến Lên (TLH), dự kiến lợi nhuận sau thuế cả năm của Công ty đạt 400 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 4.800 đồng. Công ty không chỉ bù đắp được khoản lỗ lũy kế 170 tỷ đồng trong năm 2015 mà còn thặng dư nguồn lợi nhuận lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP SMC cho biết, lợi nhuận sau thuế cả hệ thống năm 2016 dự kiến đạt 320 - 330 tỷ đồng, gấp 6 lần kế hoạch và bù hết lỗ lũy kế 196 tỷ đồng trong năm 2015...
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị nhiều biến động, quản lý lượng tồn kho và thời điểm nhập hàng sẽ là những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp chuyên kinh doanh thép.
Nhiều công ty chứng khoán đánh giá, doanh nghiệp cũng như cổ phiếu ngành thép còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2017, nhưng sự phân hóa sẽ rõ nét hơn, hiệu quả tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành hoặc chính sách quản trị phù hợp.