Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Cung khủng, cầu lớn, thanh khoản sẽ còn phá kỷ lục
Hoàng Minh - 18/01/2018 14:24
Sau những phiên tạo kỷ lục về thanh khoản, thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì được phong độ khi chỉ số VN-Index ghi nhận tăng hơn 13 điểm trong phiên 15/1 và đang rút dần khoảng cách với đỉnh hơn 1.100 điểm đã xác lập trong lịch sử 11 năm trước.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán Agriseco

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán Agriseco (AGR) cho rằng, lực chốt lời tuy đã hình thành nhưng bù lại, sức mua của thị trường còn mạnh mẽ.

Theo bà, động lực nào đang “truyền lửa” cho thị trường?

Thời gian qua, có thể thấy một sự đồng thuận giữa dòng tiền nội và dòng tiền ngoại khi tập trung vào các cổ phiếu blue-chip, tạo nên những phiên đẩy giá với biên độ khá cao tại nhóm này. Thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh, nhờ vậy, những nhịp chốt lời chỉ gây rung lắc trong phiên và chỉ số chứng khoán vẫn đóng cửa ở sắc xanh. Đặc biệt, có hiện tượng cầu mạnh vào phiên ATC.

Thông thường, thanh khoản cao đột biến là một dấu hiệu của quá trình phân phối, tuy nhiên hiện tại, khối lượng cao đi kèm giá tăng, dòng tiền chủ động thể hiện mức độ bên mua sẵn sàng trả giá là cao. Tôi cho rằng, dòng tiền mới đang đổ mạnh vào thị trường, tạo đà tăng rất lớn cho thị trường.

Tín hiệu kỹ thuật của VN-Index vẫn ở mức tích cực, nhưng hiện tượng chốt lời vẫn diễn ra. Điều này có đáng ngại?

Lực chốt lời đã hình thành khá lớn, nhưng thực tế cho thấy, sức mua của thị trường còn mạnh mẽ. Đặc biệt, khối ngoại đang giải ngân rất lớn nên áp lực chốt lời ở một số cổ phiếu là không đáng lo ngại.

Thị trường sẽ quen dần với những phiên giao dịch có giá trị lớn như một điều tất yếu đánh dấu quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng của dòng tiền trong thời gian tới?  

Thực tế, trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây, dòng tiền lớn dần và thanh khoản thị trường liên tục phá kỷ lục, nhưng vẫn còn dấu hiệu tăng tiếp.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài tập trung vào nhóm cổ phiếu blue-chip, tôi tin rằng, dòng tiền sẽ có xu hướng chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn và có kết quả kinh doanh quý IV/2017 lạc quan như xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản. Sự tăng mạnh mẽ trở lại của VIC và VRE vào phiên cuối tuần qua nhiều khả năng sẽ là phát súng lệnh của nhóm cổ phiếu ngành này.

Trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu tăng nóng. Với việc thanh khoản khớp lệnh lớn và hình thành biên độ biến động lớn trong những phiên gần đây, tôi cho rằng nhóm này sẽ cần thời gian điều chỉnh hoặc tích lũy khi thị trường có dấu hiệu bước vào quá trình điều chỉnh với sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Dấu hiệu nào để nhìn nhận thị trường sẽ bước vào quá trình điều chỉnh, theo bà?

Chỉ số VN-Index đã tăng một mạch hơn 100 điểm trong gần 1 tháng qua, nên cần có một nhịp điều chỉnh để hạ bớt áp lực margin và ổn định lại tâm lý hưng phấn, nếu không sẽ bước vào giai đoạn khá nguy hiểm.

Tôi cho rằng, thị trường có lẽ sẽ cần nghỉ ngơi, với việc nhiều mã lớn tăng nóng giai đoạn vừa qua thì việc điều chỉnh 30 - 40  điểm trong một nhịp giảm cũng là việc  hết sức bình thường. Kể cả khi chỉ số VN-Index quay về kiểm nghiệm ở ngưỡng 1.000 điểm thì điều này cũng sẽ tích cực hơn cho dài hạn, bởi nó củng cố niềm tin vững chắc của nhà đầu tư và kích hoạt dòng tiền mới gia nhập thị trường mạnh mẽ hơn. 

Bà đánh giá như thế nào về rủi ro margin thời điểm hiện tại, khi mà dư nợ margin toàn thị trường đang ở mức khá cao?

Margin hiện tại đang cao, nhưng tôi đánh giá điều này không đáng lo ngại. Dòng tiền mới từ nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường và dòng tiền khối ngoại đang hỗ trợ tích cực cho chỉ số VN-Index. Trừ trường hợp có tin tức rất xấu thì mới có thể kích hoạt đợt giải chấp margin, nhưng có chăng chỉ là giảm 2 - 3 phiên về vùng 1.000 điểm rồi hồi phục trở lại.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục sử dụng margin cơ bản là không quá rủi ro.

Tin liên quan
Tin khác