Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Diễn biến bất thường tại nhóm cổ phiếu nhỏ
Khắc Lâm - 11/12/2019 14:22
Trong bối cảnh VN-Index chịu nhiều áp lực bởi diễn biến điều chỉnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có những cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng giá mạnh, mà động lực không xuất phát từ yếu tố nội tại của doanh nghiệp.

MST: Thị giá bứt phá trước khi cổ phiếu phát hành riêng lẻ được giao dịch

Đóng cửa phiên 6/12/2019 tại 5.300 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu MST của Công ty cổ phần Đầu tư MST tăng 51,4% so với đầu tháng 11/2019; so với đầu tháng 8, giá cổ phiếu này tăng trên 100%.

Trước đó, MST có diễn biến giảm giá từ gần 5.000 đồng/cổ phiếu trong nửa cuối tháng 5/2019 xuống dưới 3.000 đồng/cổ phiếu vào nửa đầu tháng 6/2019.

Đợt giảm giá diễn ra sau khi Công ty hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 205 tỷ đồng lên 355 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu cho 8 cá nhân, khối lượng từ 1,7 - 2 triệu cổ phiếu/người, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ được giải tỏa hạn chế giao dịch từ đầu tháng 3/2020, nên diễn biến tích cực của thị giá trong 4 tháng qua rõ ràng là tin vui với 8 nhà đầu tư trên, dù điểm hòa vốn vẫn còn ở rất xa.

Việc 8 nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng mua riêng lẻ ở mức giá cao gấp đôi thị giá trong khi thanh khoản cổ phiếu MST không thấp, tỷ lệ mua quanh mức 5% và phần lớn nhà đầu tư không phải là người nội bộ khiến đợt huy động vốn của MST trở thành câu chuyện đáng chú ý, đáng nghi ngờ.

Sau đợt phát hành riêng lẻ, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của MST ghi nhận sự tăng mạnh tại giá trị các khoản phải thu.

Cụ thể, phải thu ngắn hạn tăng từ 68,5 tỷ đồng đầu năm lên 164,8 tỷ đồng đến 30/9/2019, phải thu dài hạn tăng từ 39,5 tỷ đồng lên 392,1 tỷ đồng.

Đồng thời, trong báo cáo tài chính quý III/2019 của MST có khoản mục hạch toán lợi thế thương mại 74,5 tỷ đồng.

Nhiều khả năng đây là khoản mục phát sinh sau khi MST nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Đô thị và Giao thông (Trainco) từ 33% lên 51% và chuyển thành công ty con theo quyết định của Hội đồng quản trị tại Nghị quyết tháng 9/2019 thông qua việc nhận chuyển nhượng 18% cổ phần Trainco từ ông Nguyễn Thanh Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị MST, với mức giá tối đa 11.500 đồng/cổ phiếu.

Việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Trainco được đánh giá là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của MST đạt 12,2 tỷ đồng, tăng62,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù doanh thu đạt 70,9 tỷ đồng, giảm 23,4%.

MST cũng ghi nhận khoản mục đầu tư góp vốn cùng ông Nguyễn Thanh Tuyên lên đến 252,6 tỷ đồng, tương đương 33,5% tổng tài sản của Công ty, nhưng thông tin chi tiết không được thuyết minh.

PVG, PXI: Giá tăng mạnh, bất chấp kinh doanh thua lỗ

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/12 tại 8.300 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu PVG của Công ty cổ phần Kinh doanh Khí miền Bắc tăng 56,6% so với đầu tháng 11/2019.

Đợt tăng giá của PVG diễn ra trong bối cảnh Công ty báo lỗ 11,2 tỷ đồng trong quý III/2019, do doanh thu giảm mạnh kéo lợi nhuận gộp giảm, không đủ bù đắp chi phí bán hàng, chi phí quản lý ở mức cao. Trước đó, Công ty báo lỗ 3,9 tỷ đồng trong quý II/2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, PVG đạt 2.501 tỷ đồng doanh thu, giảm 16,2%; giá vốn giảm 14,2%; lợi nhuận gộp giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chi phí bán hàng giảm, nhưng vẫn lỗ trước thuế 10,6 tỷ đồng, trong khi kế hoạch năm 2019 đề ra là lãi sau thuế 14,2 tỷ đồng (năm 2018 lãi hơn 12 tỷ đồng).

2019 là niên độ tài chính đầu tiên của PVG sau khi trở thành công ty con của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) sau đợt phát hành riêng lẻ 8,78 triệu cổ phiếu trong tháng 5/2019, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 25% thị giá.

Cũng phát hành cao hơn mệnh giá, nhưng khác với MST, câu chuyện tại PVG được đánh giá hợp lý hơn khi GAS khi đó vốn đã là cổ đông lớn nhất tại PVG với tỷ lệ 35,88% và sau mua vào riêng lẻ đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, biến PVG từ công ty liên kết thành công ty con.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu PVG vừa qua tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, trong bối cảnh Công ty thua lỗ là diễn biến bất thường.

Thị giá bứt phá, bất chấp kết quả kinh doanh thu lỗ cũng là diễn biến của cổ phiếu PXI của Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Dầu khí - công ty con của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX).

Đóng cửa phiên 6/12 tại 2.910 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu PXI đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp, tổng mức tăng so với đầu tháng 11/2019 là 53%.

Sau năm 2018 ghi nhận lợi nhuận vừa đủ để thoát nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc vì đã có 2 năm trước đó thua lỗ, nhưng năm 2019 trở lại là “một năm buồn” với PXI khi lỗ 3,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Việc nghiệm thu, quyết toán thu hồi công nợ của các công trình vẫn đang gặp nhiều khó khăn, khối lượng thi công tại một số công trình chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán, dự nợ ngân hàng cao dẫn đến chi phí tài chính lớn, một số công trình thi công ở xa khiến chi phí quản lý tăng, máy móc thiết bị, dụng cụ thi công phải thuê ngoài… là những khó khăn được PXI lý giải cho kết quả kinh doanh thua lỗ.

Được biết, đầu tháng 6/2019, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị PXI khi đó bị khởi tố do vi phạm quy định về đầu tư công trình tại dự án Ethanol Phú Thọ trong thời gian làm Trưởng ban Kinh tế - Kế hoạch PVX.

Đây có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PXI.

Trong bối cảnh kinh doanh chưa thấy điểm sáng, thị giá cổ phiếu PXI bất ngờ tăng cao có thể xuất phát từ kỳ vọng Công ty sẽ đẩy mạnh việc quyết toán các công việc đã thi công để ghi nhận lợi nhuận trong quý IV, nhưng không ít nhà đầu tư đang e ngại về một đợt sóng “bạo phát, bạo tàn”, như những lần trước đó.

SMA: Thanh khoản đột biến, thị giá thất thường

Không tăng giá mạnh, nhưng diễn biến giao dịch cổ phiếu SMA của Công ty cổ phần Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn gây chú ý trong thời gian qua khi thanh khoản tăng vọt lên 100.000 - 200.000 đơn vị khớp lệnh/phiên trong những ngày đầu tháng 12/2019, trái ngược với tình cảnh gần như mất thanh khoản, nhiều phiên không có giao dịch trước đó.

Đồng thời, thị giá cổ phiếu SMA có những phiên tăng trần, giảm sàn đan xen.

2019 là năm có nhiều biến động trong cơ cấu cổ đông của SMA khi Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Vinataba (VTJ) mua vào 15% cổ phần đầu tháng 4/2019, nhưng bán ra sau đó 2 tháng; tiếp đó là sự xuất hiện của Công ty cổ phần Đầu tư VSD khi mua vào 24,43% cổ phần SMA trong phiên giao dịch có đến 50% cổ phần được chuyển nhượng; rồi Tổng giám đốc SMA bán đi 8,94% lượng cổ phần nắm giữ thông qua giao dịch thỏa thuận.

Những giao dịch thỏa thuận lớn được thực hiện, nhưng công bố giao dịch của các cổ đông lớn mới có tỷ lệ thấp hơn nhiều, khiến thị trường cho rằng, có những “sóng ngầm” trong chuyển dịch sở hữu tại SMA.

Nhiều cổ đông SMA giữ tỷ lệ sở hữu dưới 5% để không phải công bố thông tin khi giao dịch và đây là một trong những nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu tăng giảm bất thường.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của SMA đang phải trải qua một năm khá nhiều khó khăn khi nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước và ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của nhà máy thủy điện.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu của SMA mới đạt 96 tỷ đồng, giảm 71,4%; lợi nhuận sau thuế 7,9 tỷ đồng, giảm 63,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin liên quan
Tin khác