Nhiều thị trường cổ phiếu trên thế giới tiếp tục có một tuần giao dịch lạc quan, thể hiện ở chỉ số giá liên tục thiết lập mức cao mới, xét trong xu hướng tăng dài hạn.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản tăng tốc trong tháng 10 và đạt lợi suất 9,5% kể từ đầu năm, giao dịch tại mức 21.448 điểm, cao nhất trong vòng 5 năm. Giới đầu tư nước này đang tỏ ra lạc quan về khả năng giành chiến thắng của Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử bắt đầu từ ngày 22/10, theo đó chính sách kích thích kinh tế sẽ được duy trì.
Ở các thị trường lớn khác trong khu vực châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đạt lợi suất 28,6%, chỉ số Straits Time của Singapore đang tiệm cận mức cao nhất trong năm với lợi suất 12,8%, chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 17,8%, chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ tăng 24%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 21% kể từ đầu năm. Phần lớn các chỉ số này đều bằng hoặc vượt mức lợi suất trung bình 12,9% của chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Với thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số cuối tuần qua không thay đổi so với cuối tuần trước đó. Chỉ số Shanghai Composite giao dịch ở 3.378 điểm, duy trì mức tăng 8,2% kể từ đầu năm. Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý III đạt 6,8%. Con số cho thấy nền kinh tế đang phục hồi khá chắc chắn từ tình trạng khó khăn. Sản lượng công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 9 tháng đầu năm 2016. Doanh số bán lẻ tăng 10,4% trong khoảng thời gian này, tương đương với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2016. NBS cho rằng, xu hướng ổn định và cải thiện của kinh tế sẽ tiếp tục. Vậy nhưng, phản ứng của các chỉ số chứng khoán với triển vọng kinh tế nhìn chung vẫn khá thận trọng.
Ở khu vực châu Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao nhất trong lịch sử là 23.163 điểm, tương ứng với mức tăng 16% kể từ đầu năm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 19,6%.
Xu hướng này chỉ ra rằng, dòng tiền thông minh đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng và không ngại rủi ro.
Ở thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đạt mức tăng gần 22% kể từ đầu năm, với sự đóng góp rất lớn của các cổ phiếu blue-chips trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng, vật liệu, bán lẻ và thực phẩm. Ở bức tranh lớn, thị trường đang trong giai đoạn mà xu hướng tăng thể hiện sự ổn định tốt, cho thấy niềm tin của nhiều nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng. Với chiến lược nắm giữ các cổ phiếu cốt lõi của tăng trưởng như xây dựng, tài chính - ngân hàng và bán lẻ, nhà đầu tư có thể tiếp tục chiến thắng thị trường.
Trong ngắn hạn, thị trường đang cần điều chỉnh khi một trong những trụ cột tăng trưởng là cổ phiếu thép đang tạm thời yếu. Chúng tôi nghĩ, đây là thời điểm thích hợp để tích lũy những cổ phiếu nằm trong danh mục dài hạn.