Các nhà đầu tư cá nhân (NĐT) là động lực chính cho sự hồi phục mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán thế giới. Bất chấp các công bố tăng trưởng GDP âm trong quý 1/2020 và triển vọng tồi tệ hơn trong quý 2, chỉ số chứng khoán thị trường Mỹ tăng trên 40% từ vùng đáy tháng 3, MSCI Emerging Market (thị trường mới nổi) châu Âu và Nhật tăng trên dưới 25%, MSCI các thị trường mới nổi tăng hơn 30%.
Số tài khoản Robinhood (Mỹ) - ứng dụng giao dịch cổ phiếu dành cho NĐT cá nhân đã tăng từ 1 triệu (2016) lên 10 triệu tài khoản, trong đó hơn 50% là những NĐT lần đầu tiên tham gia vào TTCK với tuổi đời bình quân chỉ 31 tuổi.
Đại diện Robinhood cho biết chỉ riêng tháng 3, khối lượng giao dịch trung bình của các khách hàng đã tăng gấp 3 lần bình quân 2019 và tiếp tục tăng lên trong tháng 4, 5. Hiện tượng này diễn ra ở nhiều thị trường, các nhà đầu tư nhỏ lẻ với mức độ chấp nhận rủi ro cao đánh cược vào khả năng vực dậy nền kinh tế của các Chính phủ và các Ngân hàng Trung Ương đã khiến thị trường nói chung và cổ phiếu các công ty trên bờ vực phá sản nói riêng hồi sinh mạnh mẽ.
Các khoản đầu tư sẽ phụ thuộc nhiều vào niềm tin của từng nhà đầu tư cá nhân |
Trong khi đó ở thị trường Việt Nam, theo Báo cáo diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 6/ 2020 của SSI cho thấy, dòng tiền đầu tư tại thị trường Việt Nam tăng trưởng nhờ sự tham gia mạnh mẽ của NĐT cá nhân.
Có thể nói, TTCK Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường giảm điểm sâu nhất trong tháng 3 “đen tối” vừa qua nhưng cũng là một trong những thị trường có mức hồi phục mạnh nhất. Chỉ số VN-Index đã tăng 36% từ mức đáy 662 điểm (31/3/2020) lên 900 điểm (10/6/2020).
Dòng tiền dồi dào từ các NĐT cá nhân trong nước thúc đẩy đà tăng của chỉ số. Chỉ riêng trong 3 tháng (3-5/2020), có gần 100 nghìn tài khoản mở mới – cao đột biến trong nhiều năm trở lại đây.
Bối cảnh này, nhiều NĐT cá nhân có xu hướng mua cổ phiếu thị giá thấp, cơ bản tốt, có thanh khoản, có cổ tức càng tốt, và chỉ nắm giữ trong ngắn hạn để hạn chế rủi ro.
Chẳng hạn, nhà đầu tư có thể mua những cổ phiếu có thị giá dưới 10,000 đồng/cp, kết quả kinh doanh 3 năm liên tục gần nhất có lãi, khối lượng giao dịch trung bình trong 30 ngày gần nhất đạt trên 20,000 cổ phiếu/phiên, nắm giữ từ 3-6 tháng và đánh giá lại theo từng quý.
Dòng vốn nước ngoài của các quỹ đầu tư chủ động (active fund) đóng góp khá nhỏ bé trong đợt hồi phục này và có sự cải thiện trong những tuần gần đây. Dòng vốn các quỹ đầu tư có trở lại TTCK Việt Nam trong tháng 5 nhưng đã quay đầu rút ròng trong 2 tuần đầu tháng 6.
Giao dịch của khối ngoại trên TTCK có phần cải thiện sau chuỗi bán ròng liên tiếp 3 tháng nhưng các phiên mua ròng và bán ròng vẫn đan xen. Nếu loại trừ các giao dịch đột biến liên quan đến mua/bán cổ phần tại VHM và MSN, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn bán ròng 17.8 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Các quỹ đầu tư chủ động đang tái cơ cấu mạnh danh mục đầu tư. Tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL (Dragon Capital) – quỹ chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam đã liên tục tăng từ đầu tháng 3 (1.31% tổng giá trị thị trường) đến giữa tháng 5 (6.38% tổng giá trị thị trường) nhưng giảm mạnh sau đó, hiện ở mức 1.84% tổng giá trị thị trường.
Một quỹ lớn khác là VOF (Vinacapital) duy trì tỷ trọng tiền mặt tại cuối tháng 5 là 5.6%, cao hơn mức 4.4%-5.0% của giai đoạn tháng 3 và tháng 4, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đầu năm là 6.4% tổng giá trị thị trường. Một số quỹ khác cũng gia tăng tỷ trọng tiền mặt mạnh vào tháng 3 nhưng đã giải ngân trở lại trong tháng 4.
Dòng vốn ETF có diễn biến tích cực với 943 tỷ vốn tăng thêm tính từ đầu tháng 5 đến nay. Đóng góp chủ yếu từ các quỹ ETF nội là VFMVN Diamond ETF và SSIAM VNFIN Lead ETF. Dòng vốn này được hy vọng sẽ tích cực hơn, tạo sự nâng đỡ cho chỉ số trong năm nay. .