Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Dòng tiền trong nước có đủ sức "chạy bền"?
Hoàng Minh - 15/04/2020 14:16
Thị trường chứng khoán gần đây phục hồi trong khi khối ngoại vẫn bán ròng. Áp lực chốt lời không quá lớn trong bối cảnh thị trường có nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng nhà đầu tư cần đánh giá lại triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

VN-Index hồi phục hơn 100 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục tích cực từ đầu tháng 4 đến nay, VN-Index tăng từ 662,5 điểm cuối tháng 3 lên 765,8 điểm ngày 13/4. Trước đó, chỉ số sụt giảm từ trên ngưỡng 990 điểm ngày 22/1, chủ yếu vì yếu tố dịch Covid-19.

VN-Index phục hồi do được cộng hưởng bởi các yếu tố như các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới tăng điểm; Việt Nam và các nước đang có nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế; dịch Covid-19 có dấu hiệu tạo đỉnh tại châu Âu và được kiểm soát tốt tại Việt Nam; các cổ phiếu chủ chốt kích thích hoạt động bắt đáy sau khi giảm giá sâu trước đó; thị trường đón nhận dòng tiền mới từ khối nhà đầu tư trong nước.

Về dòng tiền mới, số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3/2020, con số cao nhất trong vòng 2 năm qua. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 31.832 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 117 tài khoản.

Tuy nhiên, nhà đầu tư sắp phải đối mặt với thực tế là kết quả kinh doanh quý I/2020 của các công ty niêm yết trên bình diện quốc tế và trong nước có thể suy giảm sâu hơn dự báo.

Mặt khác, sự hồi phục nhanh của thị trường chứng khoán sẽ dẫn tới hoạt động chốt lãi vị thế ngắn hạn, nhất là khi dịch bệnh được nhìn nhận vẫn có tác động sâu rộng trong quý II, thậm chí dài hơn.

Trong khi đó, khối nhà đầu tư nước ngoài duy trì động thái bán ròng. Tính đến tuần giao dịch 6 - 10/4, khối ngoại bán ròng tuần thứ 11 liên tiếp, tổng khối lượng bán ròng toàn thị trường trong tuần qua là hơn 88 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng trên 1.800 tỷ đồng, tăng gần 50% so với tuần trước đó.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tính riêng trong quý I/2020, giá trị dòng vốn ETF rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên tại khu vực Ðông Nam Á là 283 triệu USD, chiếm khoảng 3,7% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại tại các thị trường này.

Trong đó, ước tính Quỹ ETF VN30 và 3 quỹ ETF ngoại gồm VNM ETF, FTSE VN ETF, Premia VN ETF rút ròng 47,4 triệu USD.

Áp lực chốt lời

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, dòng vốn nội mua ròng cổ phiếu trong thời gian gần đây không phải là dòng tiền nóng như thường thấy trước đây, mà mang tính đầu tư trung và dài hạn nhiều hơn.

Ở thời điểm này, cần nhìn nhận rằng, chỉ số VN-Index đã trở về giai đoạn năm 2017, trước khi tạo đỉnh trong nửa đầu năm 2018 với nhiều cổ phiếu có mức giá giảm sâu hơn chỉ số chung, bất kể tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chúng ta cần thời gian để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc, nhưng thị trường vẫn tin tưởng vào triển vọng của khối doanh nghiệp Việt Nam và cho rằng, sự đình trệ đầu tư, sản xuất đang diễn ra chỉ là mang tính gián đoạn tạm thời. Ðà phục hồi sẽ trở lại nhiều hơn trong nửa cuối năm nay. Do vậy, tôi kỳ vọng, dòng tiền mang tính nội lực thực sự đang xuất hiện, sẽ giúp thị trường có diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm”, ông Hoàng nói.

Một số ý kiến khác cho rằng, lực mua trong nước là sự kết hợp giữa dòng tiền mang tính trung/dài hạn với những kỳ vọng vào gói kích cầu kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ và dòng tiền mang tính đầu cơ, bị thu hút bởi giá nhiều cổ phiếu đã lùi về vùng hỗ trợ hấp dẫn. Do đó, dòng tiền đầu cơ có thể sớm thực hiện chốt lời những cổ phiếu tiếp cận vùng kháng cự ngắn hạn.

Ông Ðào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) cho biết, các cổ phiếu chủ chốt giảm giá sâu là cơ hội cho dòng tiền quay lại thị trường khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại.

Tính từ vùng đáy 650 điểm của chỉ số VN-Index trong tuần cuối tháng 3, thị trường chứng khoán hiện đã hồi phục được khoảng 15 - 16%, trong đó không ít mã cổ phiếu tăng giá trên 20%.

Ðây là mức sinh lời rất tốt nên áp lực điều chỉnh/chốt lời ngắn hạn nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong tuần này. CTS kỳ vọng, VN-Index có thể trụ vững trong vùng hỗ trợ 715 - 720 điểm.

Ông Trung lưu ý, dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, thế giới chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc kiểm soát được dịch, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực sau khi dịch kết thúc.

Bên cạnh đó, dòng tiền trong nước đang đóng vai trò nâng đỡ thị trường chứng khoán, nhưng dòng tiền tham gia vào thị trường trong giai đoạn này phần nhiều mang tính chất đầu cơ ngắn hạn, trong khi khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng.

Thời điểm hiện tại, thị trường chưa có đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả kinh doanh quý I cũng như điều chỉnh dự báo năm với các công ty niêm yết. Nói cách khác, ở vùng trũng thông tin, các cổ phiếu hồi phục dễ dàng hơn từ vùng giá thấp và có thông tin hỗ trợ.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới diễn biến giá cổ phiếu trong dài hạn.

Do vậy, trong thời gian tới, triển vọng lợi nhuận quyết định quỹ đạo thị trường. Các doanh nghiệp đang bước vào mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I, báo cáo này sẽ giúp các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận trên thị trường và bắt đầu định giá lại khả năng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021.

Theo thống kê, lợi nhuận doanh nghiệp giảm trung bình khoảng 20% trong các thời kỳ suy thoái. Với mức giảm điểm trên 30% của nhiều thị trường trong hơn một tháng qua, có thể giá cổ phiếu đã được đưa về mức phù hợp trong kịch bản lợi nhuận tăng trưởng âm.

Vì vậy, ngoài yếu tố về dòng tiền, sự thay đổi về triển vọng lợi nhuận sẽ đóng vai trò quyết định tới quỹ đạo thị trường trong trung và dài hạn.

Tin liên quan
Tin khác