Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Hàng trăm cổ phiếu vẫn "ngủ đông"
Bùi Sưởng - 24/10/2016 10:16
Dù đã niêm yết trên TTCK, tuy nhiên, rất nhiều mã chứng khoán hiện đang rơi vào tình trạng “ngủ đông”, cả năm chỉ có một vài giao dịch, đủ để thoát án hủy niêm yết theo quy định.

Thanh khoản trung bình năm là… 10 CP/phiên

Tính trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu BDB của CTCP Sách và thiết bị Bình Định niêm yết trên sàn HNX có vỏn vẹn 5 phiên giao dịch, trong đó phiên khớp lệnh nhiều nhất cũng chỉ là 1.000 cổ phiếu. Tình trạng “ngủ đông” của BDB đã kéo dài từ năm 2014 đến nay. Trước đó, tần suất các phiên có giao dịch thành công của BDB xảy ra thường xuyên hơn, nhưng khối lượng khớp rất khiêm tốn, chỉ vài trăm cổ phiếu.

Gần 6 năm niêm yết, BDB có lẽ chẳng thu lợi được gì từ thị trường, khi Công ty không tăng vốn điều lệ, thanh khoản cổ phiếu thì mất hút. Tất nhiên, câu chuyện mất thanh khoản BDB có lý do chính đáng, bởi với vốn điều lệ hơn 11 tỷ đồng, thị giá chưa tới 7.000 đồng/CP, vốn hóa Công ty ở mức 7,66 tỷ đồng tính đến cuối tuần qua… là con số quá nhỏ để nhà đầu tư chú ý. Thêm vào đó, việc cổ đông lớn là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện đang nắm trên 40% vốn điều lệ càng khiến thanh khoản cổ phiếu này khó cải thiện.

Câu chuyện của BDB không phải là cá biệt. Dữ liệu của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho thấy, trong vòng 1 năm qua, có tới 93 mã chứng khoán niêm yết trên 2 Sở GDCK có khối lượng giao dịch bình quân dưới 1.000 CP/phiên. Chiếm đa số trong đó là các cổ phiếu có khối lượng lưu hành thấp (dưới 10 triệu cổ phiếu), bao gồm cả những doanh nghiệpthương hiệu và vốn điều lệ không quá nhỏ như CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (mã SII, vốn điều lệ 583,7 tỷ đồng, vốn hóa 1.733 tỷ đồng), CTCP Cao su Hòa Bình (mã HRC, vốn điều lệ 302 tỷ đồng, vốn hóa gần 1.163 tỷ đồng), CTCP Thế giới số Trần Anh (mã TAG, vốn điều lệ 248 tỷ đồng, vốn hóa hơn 1.500 tỷ đồng), CTCP Vinacafe Biên Hòa (mã VCF, vốn điều lệ gần 266 tỷ đồng, vốn hóa hơn 4.252 tỷ đồng)…

Ngoài ra, còn tới 201 mã có lượng giao dịch bình quân chỉ từ 1.000-10.000 CP/phiên, với những tên tuổi được thị trường biết đến như Chứng khoán Dầu khí (mã PSI), Traphaco (mã TRA)… 

Bài toán thanh khoản và quản trị hình ảnh doanh nghiệp

Trong số 681 mã chứng khoán niêm yết chính thức, chỉ có 41 mã có thanh khoản trung bình năm đạt trên 1 triệu CP/phiên, 163 mã thanh khoản từ 100.000 đến dưới 1 triệu CP/phiên. Điểm chung của các mã chứng khoán thuộc nhóm này là: thương hiệu lớn, quy mô vốn điều lệ lớn, có nhu cầu tăng vốn thường xuyên…, hoặc là những cổ phiếu gắn liền với các cá nhân có tên tuổi trên thương trường, cổ phiếu có hệ số beta cao (biến động giá lớn)…

Câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp được gì khi đưa cổ phiếu lên sàn, khi doanh nghiệp không có nhu cầu huy động vốn từ thị trường, thanh khoản cổ phiếu bế tắc…, trong khi việc lưu ký chứng khoán phát sinh chi phí?

Ngoại trừ một số trường hợp như quy mô vốn hóa quá nhỏ, hay do đặc thù về tỷ lệ sở hữu, thì rõ ràng, trong nhiều trường hợp, thanh khoản cổ phiếu thấp là thất bại của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã ôm ấp kế hoạch tăng vốn khi đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng bất thành do nhiều nguyên nhân như làm hình ảnh không đủ, ngành nghề kinh doanh không có điểm nhấn, chất lượng tài sản không cao, thậm chí là không có các tổ chức chuyên nghiệp “đỡ đầu”…

Ở đâu đó, rải rác tại các phòng môi giới, các nhóm đầu tư lớn, những dịch vụ như quản trị thanh khoản, quản trị hình ảnh đang “lên ngôi”, cho dù về mặt pháp lý, có những rủi ro nhất định về nghề nghiệp cho các nhân sự tham gia công tác này, khi dễ bị gắn với hành vi làm giá, tạo cung cầu giả trên thị trường. Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết quy mô vốn tầm trung từng than phiền: trước đây, ngay cả khi công ty khó khăn thì số lượng cổ đông cũng đạt 500-600 người, thậm chí cao hơn; nhưng hiện tại chỉ còn hơn 200 cổ đông, có lúc chỉ còn trên 100 người. Mà ít cổ đông thì rất khó để có thể tăng vốn sau này, dù doanh nghiệp có không ít lợi thế.

Rõ ràng, với cả nghìn mã chứng khoán trên thị trường, trong đó gần 700 mã đang niêm yết chính thức, bài toán đặt ra với doanh nghiệp là làm thế nào để nhà đầu tư biết đến mình. Đặc biệt, với công cụ bảng giá điện tử hiện tại cho phép nhà đầu tư chỉ lựa chọn quan sát diễn biến giá những mã cổ phiếu mà họ quan tâm, thì nhiều mã chứng khoán khác, nếu không có một điểm nhấn thực sự thì rất khó thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Và trong tình huống đó, nếu không có một chiến lược bài bản, niêm yết có thể sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho các cổ đông, thậm chí còn gây tác dụng ngược, nếu cổ phiếu giảm về mức dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP).

Tin liên quan
Tin khác