Các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm những cổ phiếu có câu chuyện riêng, chưa tăng giá nhiều để nắm giữ lâu dài |
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tìm kiếm các cổ phiếu có câu chuyện riêng, chưa tăng giá nhiều để nắm giữ lâu dài, bởi ngược với rủi ro ngắn hạn trên TTCK, tình hình vĩ mô ổn định vẫn là yếu tố tiên quyết tạo niềm tin chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Kể từ sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018 diễn ra vào giữa tháng 3, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Thế giới di động đã tăng giá trở lại, lên hơn 120.000 đồng/cổ phần nhờ thông tin doanh nghiệp sẽ chia cổ phiếu tỷ lệ tối đa 2:1. Tuy nhiên, khi tỷ lệ 2:1 còn chưa chắc chắn thì dưới áp lực điều chỉnh của thị trường, cổ phiếu MWG đã giảm về mức giá đáy đã thiết lập trước đó là 112.000 đồng/cổ phiếu.
Sự hoài nghi của nhà đầu tư vào thành công của chuỗi bán lẻ Bách hóa xanh còn rất lớn. Từ thời điểm này cho đến hết tháng 6 là thời điểm MWG đẩy mạnh phát triển chuỗi Bách hóa xanh lên 500 cửa hàng, nên khả năng giá cổ phiếu MWG sẽ “lình xình”, thậm chí có thể giảm sâu khi nhà đầu tư tìm cơ hội khác kiếm lời nhanh hơn.
Một cổ phiếu đầu ngành khác là HPG cũng đã điều chỉnh giảm từ 66.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 60.000 đồng/cổ phiếu khi nhà đầu tư chiết khấu thông tin về việc Mỹ áp thuế với nhôm thép nhập khẩu vào nước này.
Đà tăng giá của HPG đã bị chặn đứng bởi thông tin trên, dù trên thực tế, việc Mỹ áp thuế nhôm thép không ảnh hưởng trực tiếp đến HPG. Nhà đầu tư ngoại bán chốt lời HPG khối lượng lớn, phản ánh cổ phiếu này đã được định giá hợp lý.
Các cổ phiếu ngân hàng như HDB, VPB, ACB, VJC đều được cho là đang ở mức giá hợp lý. Tuy nhiên, hàng loạt cổ phiếu niêm yết của doanh nghiệp đầu ngành, có mức tăng trưởng cao đã ở mức giá không rẻ, khiến nhà đầu tư bối rối tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thời điểm này. Do đó, dòng tiền có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM, cổ phiếu doanh nghiệp có định giá vừa phải, chỉ số P/E thấp.
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân. Lý do là ở mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, với cổ tức 15% năm 2017 và dự kiến 12% cho năm 2018, LPB khá phù hợp cho nhà đầu tư ưa thích đầu tư cơ bản.
Hai thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu LPB trong thời gian tới là con của Chủ tịch Hội đồng quản trị LPB vừa đăng ký mua vào 1,6 triệu cổ phần và thông tin Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại với giá 30.000 đồng/cổ phần.
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư cũng quan tâm đến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. So với cổ phiếu VJC của Vietjet thì HVN ở mức thị giá còn khiêm tốn, trong khi doanh nghiệp này có đầy đủ khả năng như VJC để tạo lợi nhuận bằng kế hoạch bán và thuê lại 4 máy bay trong năm 2018. Kế hoạch thoái vốn nhà nước ở HVN được kỳ vọng sẽ là động lực cho giá cổ phiếu HVN trong năm nay.
Trong khi đó, vốn ngoại lại quan tâm nhiều hơn đến QNS, doanh nghiệp có vốn hóa từng đạt đến mức tỷ USD, trước khi điều chỉnh do giá đường giảm. Ròng rã hơn 1 tháng nay, nhà đầu tư ngoại gom mua cổ phiếu QNS. Đây là doanh nghiệp khá đặc biệt, kế hoạch lợi nhuận thấp nhưng thực hiện rất cao.
Năm ngoái, QNS đạt 1.100 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ là 223 tỷ đồng trước thuế. Trong khi đó, 50% lợi nhuận của QNS đóng góp từ mảng sữa, còn lại là từ đường và các mảng kinh doanh khác.
Ông Trần Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc QNS cho biết, năm 2018, Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bình Dương dự kiến đóng góp thêm hơn 615 tỷ đồng doanh thu, hơn 33 tỷ đồng lợi nhuận. Nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động, QNS sẽ có ít nhất 200 tỷ đồng doanh thu/năm và tỷ suất lợi nhuận khoảng 30%.
Theo ông Phương, Việt Nam là nước có lượng tiêu dùng sữa đậu nành bình quân người còn thấp, chỉ bằng 1/2 của Thái Lan và Singapore, thấp hơn cả Malaysia nên nhu cầu về sản phẩm này sẽ tiếp tục tăng, dự kiến năm 2020 là hơn 600 triệu lít.
“Cơ hội tăng trưởng sản phẩm sữa đậu nành của Công ty khi đã giữ thị phần 84,5% là hoàn toàn có thể”, ông Phương khẳng định. QNS có thể xem là Vinamilk ở phân khúc sữa đậu nành. Việc nhà đầu tư ngoại yêu thích là dễ hiểu, nhưng nhà đầu tư trong nước lại chưa mấy để ý đến mã này.
Một trường phái lựa chọn đầu tư khác là những cổ phiếu có tỷ lệ chia thưởng lớn như PHR, TV2 hay VPB. Những cổ phiếu hạng trung có tỷ lệ P/E năm 2018 dự kiến thấp trong nhóm ngành bất động sản như LDG, HDC cũng được dòng vốn ưa chuộng.
Trong khi các cổ phiếu lớn như NVL, PDR, NLG đang tăng giá dần thì các cổ phiếu bất động hàng trung vẫn kiên nhẫn tích lũy để chờ đợi thời điểm bùng nổ trở lại khi các dự án bất động sản bàn giao nhà đủ điều kiện hạch toán doanh thu và lợi nhuận trong quý II và III năm nay.